Sẻ chia giọt máu hiếm

08:04, 08/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gần 30 thành viên Câu lạc bộ (CLB) Nhóm máu hiếm của tỉnh có một điểm chung là mang trong mình dòng máu Rh-. Họ hiểu rằng, nếu gặp rủi ro mà không có người cho máu thì cơ hội giành lại sự sống rất mong manh. Bởi thế, các thành viên đã cùng nhau kết nối, luôn sẵn sàng chia sẻ giọt máu hiếm cứu giúp người bệnh và cũng có cơ hội cứu mình khi cần.
[links()]
Là một thành viên tích cực của CLB Nhóm máu hiếm, anh Đặng Hồng Tân, cán bộ UBND xã Tịnh Đông (TP.Quảng Ngãi) đến nay đã 11 lần hiến máu đột xuất để cứu người. Anh Tân cho biết: Tôi vô tình biết mình thuộc nhóm máu hiếm trong lần hiến máu tình nguyện khi đang là sinh viên học tập tại Đà Nẵng. Từ đó, thông qua kết nối với bạn bè, tôi tham gia CLB nhóm máu hiếm tại Đà Nẵng và đã 3 lần hiến máu đột xuất để cứu người bệnh. 
Anh Phan Nguyễn Anh Kiệt, cán bộ phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) đã 5 lần hiến máu hiếm cứu người bệnh.
Anh Phan Nguyễn Anh Kiệt, cán bộ phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) đã 5 lần hiến máu hiếm cứu người bệnh.
Sau khi ra trường về Quảng Ngãi làm việc, anh Tân tiếp tục tham gia hiến máu cứu người. Anh Tân chia sẻ: “Mỗi khi nhận được thông tin từ các bệnh viện về trường hợp có người thuộc nhóm máu hiếm đang cấp cứu là tôi có mặt ngay. Tôi nghĩ, số người có nhóm máu hiếm đã ít, lại chỉ những người cùng nhóm máu như mình mới cứu được nhau, nên mình không thể chậm trễ bất cứ trường hợp nào".
 
Cũng như Tân, anh Phan Nguyễn Anh Kiệt, cán bộ phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) cũng thuộc nhóm máu Rh-. Tham gia CLB nhóm máu hiếm Quảng Ngãi từ những ngày đầu thành lập, đến nay anh Kiệt đã 5 lần hiến máu đột xuất để cấp cứu người bệnh. Mới đây, vào cuối tháng 3.2021, anh Kiệt đã hiến máu cứu một sản phụ trong tình trạng nguy kịch do thiếu máu trong quá trình phẫu thuật.
 
Còn chị Lê Thị Minh Phượng - Bí thư Chi bộ thôn Quang Trung, xã Bình Chánh (Bình Sơn) cũng là thành viên tích cực của CLB Nhóm máu hiếm. Đến nay, chị Phượng đã 7 lần hiến máu cứu người. “Lần gần đây nhất là cuối năm 2020, một trường hợp bệnh nhân lớn tuổi cần máu gấp để phẫu thuật tại Bệnh viện Phúc Hưng. Lúc đó đã khuya, tôi phải nhờ chồng chở vào bệnh viện để hiến máu. Nhờ vậy mà bệnh nhân được truyền máu kịp thời và vượt qua nguy kịch”.
 
Đó là 3 trong số những thành viên thuộc nhóm máu hiếm trong toàn tỉnh. Với họ, khi có người cần máu, những người cùng nhóm máu hiếm đều sẵn sàng lên đường. Họ chính là những sứ giả mang tới thông điệp ý nghĩa, vận động người bệnh cùng tham gia CLB để trao đổi, chia sẻ, làm nhiều việc có ích cho cộng đồng.
Kết nối để sẻ chia
 
Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm tỉnh thành lập năm 2018. Ban đầu có gần 20 thành viên, đến nay đã có gần 30 người tham gia. Trung bình hằng năm, CLB Nhóm máu hiếm trong tỉnh đã hiến hơn 10 đơn vị máu để bệnh viện triển khai cấp cứu những trường hợp khẩn cấp và cung cấp máu hiếm cho các bệnh viện lân cận. Theo các bác sĩ, tại Việt Nam nhóm máu Rh(D) âm chỉ chiếm khoảng 0,1% dân số nên được coi là nhóm máu hiếm. Bên cạnh đó cũng nhiều nhóm máu hiếm khác như Rh-null, Rh (C) âm, Rh (E) âm… Đây là thách thức vô cùng lớn đối với ngành y tế trong việc cấp cứu và điều trị người bệnh có nhóm máu hiếm.
 Bài, ảnh:  TRÍ PHONG
 
 
 

.