Bỏ phố về quê nuôi dê

09:04, 15/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từng làm chủ một công ty về lĩnh vực điện lạnh tại TP.Hồ Chí Minh, thế nhưng, anh Nguyễn Anh Tuân (37 tuổi), ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) đã quyết định chuyển hướng về quê theo đuổi đam mê chăn nuôi.
[links()]
Vốn là kỹ sư ngành điện lạnh, thế nên, để bước sang một lĩnh vực mới, anh Tuân đã suy nghĩ, tính toán, hoạch định rất kỹ lưỡng. Sau một thời gian tìm hiểu, anh quyết định chọn nuôi dê Boer lai để làm giàu. Theo anh Tuân, dê Boer sinh trưởng, sinh sản nhanh, rủi ro thấp, lợi nhuận thu về cao hơn so với chăn nuôi heo, bò. 
Mô hình chăn nuôi dê Boer lai của anh Nguyễn Anh Tuân, ở xã Đức Phong (Mộ Đức).
Mô hình chăn nuôi dê Boer lai của anh Nguyễn Anh Tuân, ở xã Đức Phong (Mộ Đức).
Trước khi bắt tay vào đầu tư nuôi dê, anh Tuân đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại chăn nuôi dê lớn ở các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên. Tháng 8.2020, anh bỏ phố về quê đầu tư hơn 600 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 45 con dê Boer về nuôi sinh sản. Anh Tuân chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình thuần nông, nên từ nhỏ, tôi đã có sở thích chăn nuôi. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty của tôi gặp khá nhiều khó khăn, nên tôi đã quyết định về quê chăn nuôi, thực hiện đam mê của mình. Khi từ bỏ công việc kỹ sư điện lạnh, gia đình, bạn bè đều lo tôi sẽ thất bại, nhưng tôi đã chia sẻ những hoạch định và nghiên cứu kỹ về thị trường, nên mọi người đã ủng hộ”.
 
Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, anh Tuân đã xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, phù hợp với từng mùa. Những công việc như tiêm phòng vắc xin, vệ sinh, tẩy uế chuồng trại luôn được anh chú trọng, thực hiện thường xuyên. Trên mỗi con dê, anh đều đánh mã số riêng để dễ dàng quản lý quy trình chăn nuôi, luân chuyển đàn, theo dõi sinh sản và phát hiện bệnh sớm. Bên cạnh đó, anh Tuân còn cải tạo hơn 4 sào đất vườn để trồng cỏ, bắp làm thức ăn sạch, nên đàn dê sinh trưởng tốt. Khi đã có nhiều kinh nghiệm, anh Tuân nhận thấy, việc mở rộng quy mô chăn nuôi sẽ là hướng đi nâng cao nguồn thu nhập. Do đó, toàn bộ số dê sinh ra đều được anh giữ lại, để bổ sung cho việc phát triển tổng đàn. Đến nay, sau gần 1 năm, anh Tuân đã phát triển đàn dê lên hơn 60 con sinh sản.
 
Hiện anh Tuân đang tiếp tục nhân đàn và tăng cường đăng tải, quảng bá đàn dê trên các trang mạng xã hội. Nhờ đó, nhiều cơ sở chăn nuôi ở các tỉnh lân cận đã đến tham quan và đặt hàng con giống. Anh Tuân cho hay: “Nuôi dê sinh sản đem lại lợi nhuận khá cao, vì 85% nguồn thức ăn từ lá cây, cỏ. Bình quân mỗi năm, một con dê Boer giống sinh sản khoảng 3 - 4 con dê con, sau 5 tháng dê con có trọng lượng từ 30 - 38kg. Như vậy, nếu chăm sóc tốt, với 60 con dê giống hiện nay, mỗi năm trang trại của tôi xuất chuồng khoảng 200 con dê con. Sau khi trừ chi phí, tôi thu về hơn 300 triệu đồng”.
 
Nói về dự định trong tương lai, anh Tuân cho biết: Trong vòng 2 năm tới, tôi sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận thu được để tiếp tục xây dựng, mở rộng thêm chuồng trại, tạo thêm việc làm cho người dân ở địa phương. Ngoài ra, tôi sẽ tập trung vào phân khúc liên kết, mở rộng khách hàng và thị trường, nhằm thúc đẩy mô hình chăn nuôi dê Boer ngày càng phát triển bền vững.
 
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
 
 
 

.