Nghị lực của cô sinh viên mồ côi trên rẻo cao

03:11, 30/11/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Vượt lên nỗi bất hạnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, con đường đến trường gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng em Đinh Thị Huệ ở huyện vùng cao Sơn Hà vẫn viết nên kỳ tích của đời mình khi chạm tay vào giấc mơ đại học với ngôi vị thủ khoa.
[links()]
 
Với số điểm 21.63, em Đinh Thị Huệ (lớp 12C1, Trường THCS& THPT Phạm Kiệt, huyện Sơn Hà) là thủ khoa đầu vào ngành sư phạm mầm non, đồng thời là thủ khoa toàn Trường đại học Phạm Văn Đồng trong kỳ tuyển sinh vừa qua. Hay tin, người dân ở ngôi làng Tranh, xã Sơn Ba rất đỗi cảm phục trước thành tích mà cô bé mồ côi vừa gặt hái.
 
Sinh ra trong một gia đình khó khăn của huyện miền núi nghèo tỉnh Quảng Ngãi, vừa lọt lòng mẹ, Huệ đã phải chịu cảnh không có cha. Cha Huệ bỏ đi theo người khác chỉ vì hủ tục trọng nam khinh nữ.
 
Không có cha như bao đứa trẻ khác, hai mẹ con Huệ chỉ biết nương tựa vào nhau để sống qua ngày. Một mình mẹ quanh quẩn với mấy sào lúa và đi làm lột vỏ keo thuê. Cuộc sống tạm trôi qua với bữa rau bữa cháo mẹ con vui vẻ bên nhau.
 
Thế nhưng, biến cố lại một lần nữa ập đến, năm Huệ 13 tuổi, mẹ Huệ phát hiện bị căn bệnh ung thư không có tiền chữa trị và đã qua đời. “Lúc ấy em cảm thấy rất tuyệt vọng, cha bỏ đi từ nhỏ, giờ đây mẹ cũng bỏ em đi”, Huệ rưng nước mắt nói.
 
Huệ cho biết, thời gian ấy việc học của em rất sa sút. Có những lần em đã từng nghĩ đến chuyện giải thoát cho bản thân, nhưng gia đình và thầy cô, bạn bè đều động viên em, khuyên em phải cố gắng vượt qua.
 
Vượt qua khó khăn, em Đinh Thị Huệ đang cố gắng học tập để chinh phục ước mơ trên chặng đường phía trước
Vượt qua khó khăn, em Đinh Thị Huệ đang cố gắng học tập để chinh phục ước mơ trên chặng đường phía trước
 
Kể từ ngày mẹ mất Huệ phải qua sống chung với cậu mợ. Song, gia đình cậu mợ cũng chẳng khá giả gì, một mình mợ phải bươn chải để nuôi thêm một đứa cháu nội mồ côi cha nên cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.
 
Sống với mợ được 2 năm thì mợ cũng mất, chỉ còn lại hai cậu cháu và đứa em nhỏ. Ba con người đùm bọc với nhau sống qua ngày bằng số tiền lương thương binh hàng tháng vài trăm nghìn đồng của cậu. Hằng ngày, một buổi Huệ đến trường, buổi còn lại về nhà phụ giúp cậu làm việc nhà và trông cháu. Tối đến Huệ mới có thời gian học bài.
 
Khó khăn chồng chất, những tưởng việc học tập của em bị đứt gánh và ước mơ theo đuổi con chữ của em bị bỏ dở. Thế nhưng bằng nghị lực phi thường cô bé mồ côi cha mẹ nhiều năm liền ở cấp 2 và cấp 3 đều đạt học sinh khá.
 
“Người dân ở đây còn khó khăn về kinh tế nên việc học cũng không được chú trọng, nhiều người không cho con đi học. Còn với em, em luôn tự hứa với mình là phải có gắng học hành đến nơi đến chốn. Có kiến thức thì mình mới có thể thoát nghèo được”, em Huệ chia sẻ.
 
Dù rất cố gắng, nhưng cuộc sống khó khăn khiến con đường chính phục ước mơ của em còn lắm nỗi gập ghềnh
Dù rất cố gắng, nhưng cuộc sống khó khăn khiến con đường chính phục ước mơ của em còn lắm nỗi gập ghềnh
 
Đến năm lớp 12, cậu cũng qua đời vì bệnh nặng, kể từ đó tới nay Huệ sống chung cùng bà Đinh Thị Lép (mợ thứ tư của Huệ). “Ngày nào nó đi học thì thôi, không đi học thì lại cặm cụi lên rừng để lột vỏ keo, trồng keo, nhặt củi, chăn bò thuê cho người ta”, bà Lép kể.
 
Cuộc sống của hai mợ cháu Huệ chỉ trông chờ vào ít sào lúa và keo nên thiếu thốn trăm bề. “Lúc nghe tin cháu đỗ thủ khoa đầu vào nghành sư phạm mầm non, tôi phải chạy vay mượn hàng xóm từng đồng để cho cháu đi học. Dù nghèo nhưng được cái cháu Huệ rất ngoan, chăm chỉ và học giỏi. Bây giờ, nó đỗ vào đại học với số điểm cao tôi vui lắm”, bà Lép thổ lộ
 
Dù không giấu được niềm tự hào khi đứa cháu gái đỗ đại học với số điểm cao nhưng bà Lép không khỏi suy nghĩ về những ngày sắp tới. Bởi cuộc sống khó khăn, bà thì tuổi đã cao, nếu không có sự trợ lực giúp đỡ thêm từ bên ngoài thì có lẽ con đường đến trường của cháu bà sẽ lắm nỗi chông chênh. 
 
Về phần mình, Đinh Thị Huệ cũng không giấu được nỗi lo âu. Em cho biết: “Mợ năm nay cũng đã gần 60 tuổi, bước vào độ tuổi không làm được những việc nặng nhọc, em cũng không muốn vì em mà mợ phải lam lũ. Em sẽ cố gắng học hành để sau này khi ra trường em có thể giúp một phần nào đó cho gia đình, đặc biệt là chăm sóc mợ trong khoảng thời gian còn lại”.
 
Cô Ngô Thị Thùy Trang (giáo viên chủ nhiệm Huệ suốt 3 năm cấp 3) chia sẻ: “Huệ rất hiếu học, học tốt và chăm ngoan, là học sinh tiêu biểu của trường. Mặc dù, hoàn cảnh của em rất khó khăn, mồ côi cha mẹ từ nhỏ và hằng ngày phải lam lũ nhiều để phụ giúp gia đình của mợ nhưng việc học trên lớp em không nghỉ học buổi nào. Tôi tin sau này Huệ sẽ thành công”.
 
Cửa đại học đã mở, chặng đường tiếp theo trên ghế giảng đường đang chờ đón Huệ chinh phục. Khó khăn phía trước chắc chắc còn bủa vây nhưng hãy tin rằng, cô học trò mồ côi sẽ lại mạnh mẽ vượt qua như cái cách mà cô đã gặt hái danh hiệu thủ khoa, làm nức lòng thầy cô, bè bạn.
 
Chia tay Huệ, chúng tôi tin rằng, cô bé có vóc dáng nhỏ nhắn, da ngâm ngâm, hiền lành, chăm học cùng với nghị lực phi thường sẽ học tập tốt và đạt được ước mơ của mình.
 
PV- CTV

.