Người đưa mây về phố

02:08, 22/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ những trăn trở về môi trường ngày càng ô nhiễm, anh Đỗ Quốc Anh (1985), ở thôn Cộng Hòa 2, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) đã học hỏi, mày mò làm ra những chiếc quai đan bằng cây mây để góp phần giảm rác thải nhựa. Không chỉ dùng để đựng ly cà phê, trà sữa, nước uống, những chiếc quai đan còn có thể dùng để trang trí, trưng bày và đựng nhiều vật dụng khác.

TIN LIÊN QUAN

Sản phẩm vì môi trường

Anh Đỗ Quốc Anh kể, anh từng tham gia nhóm không sử dụng túi nilon trên mạng xã hội, trong đó mỗi người đều có cách riêng để bảo vệ môi trường, như người làm ống hút cỏ, người thì sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với thiên nhiên. “Lúc ấy, có trào lưu sử dụng những chiếc quai làm từ tre để đựng ly cà phê, trà sữa.

Tuy nhiên, những chiếc quai vẫn chưa hoàn toàn thân thiện với môi trường, vì sử dụng hóa chất chống mốc, tẩy trắng, dùng keo dán hay bấm ghim để cố định đầu mối của quai. Vì thế, tôi sử dụng nguyên liệu làm bằng mây, tạo ra những chiếc quai hoàn toàn thân thiện với môi trường, có những ưu điểm như dẻo dai, không gãy, có khả năng chịu lực tốt và có thể sử dụng nhiều lần”, anh Anh chia sẻ.

Anh Đỗ Quốc Anh giới thiệu những chiếc quai mây thân thiện với môi trường.
Anh Đỗ Quốc Anh giới thiệu những chiếc quai mây thân thiện với môi trường.

Để đan những chiếc quai mây, anh Anh mua nguyên liệu từ các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ... Anh tự tìm hiểu, thiết kế thành nhiều mẫu để có thể đựng các kiểu ly khác nhau. Những chiếc quai mây nhìn đơn giản, nhưng để đạt chuẩn rất khó, vì người làm phải khéo léo, cố định các đầu mối bằng mây, mà không sử dụng bất kỳ chất liệu kết dính nào.

Ngoài ra, anh cũng thường xuyên thay đổi mẫu mã, để đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của khách hàng. Không chỉ dùng làm quai cà phê, trà sữa, chai đựng nước, mà những chiếc quai mây có thể dùng để trưng bày, trang trí sản phẩm như hộp trà, nước hoa...

Không đặt mục tiêu lợi nhuận

Với giá bán sỉ mỗi chiếc quai thành phẩm chỉ vài trăm đồng, trong đó chi phí nguyên liệu, nhân công, vận chuyển khá cao, nhưng anh Anh vẫn không tăng giá sản phẩm, vì mong muốn góp phần giảm việc sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày. Có nhiều nơi, anh Anh sẵn lòng tặng quai mây để quán dùng thử, hoặc bán với giá vừa phải.

“Tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận khi sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhưng, điều cơ bản là giúp được những lao động ở nông thôn có việc làm trong lúc nhàn rỗi. Đây không phải là công việc vất vả, nặng nhọc, nhưng tôi vẫn trả giá nhân công tương xứng với thời gian mà họ bỏ ra làm. Mỗi tháng, chúng tôi thực hiện khoảng 30.000 chiếc quai mây, nghĩa là có thể giúp người tiêu dùng giảm hàng nghìn túi nilon”, anh Anh chia sẻ.

Hiện nay, các đơn hàng đặt quai mây chủ yếu thông qua trực tuyến. Tại Quảng Ngãi, hiện có hai quán cà phê sử dụng sản phẩm quai mây đó là Cỏ và Huỳnh. Còn ở TP.Hồ Chí Minh, anh Anh cho biết có nhiều chuỗi, quán cà phê chủ động đặt hàng quai mây. So với túi nilon, những chiếc quai mây sẽ khiến các quán tăng thêm chi phí. Tuy nhiên, với những người yêu môi trường thì bài toán lợi nhuận không đặt lên hàng đầu. Với thông điệp “sạch, nhưng phải xanh”, dùng ly giấy, ống hút cỏ, quai mây thay vì ly nhựa và túi nilon, nhiều chuỗi, quán cà phê lại thu hút được nhiều khách hàng, tăng doanh thu.

Thời gian đến, Đỗ Quốc Anh dự định kết nối với các chuỗi, quán cà phê lớn tại các tỉnh, đồng thời tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quai mây của mình. Khi những chiếc quai mây ngày càng phổ biến, không chỉ giúp “hồi sinh” những vùng đất từng trồng mây, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, mà hơn hết chính là lan tỏa những việc làm thiết thực vì môi trường.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

 

.