Không dung túng cho hành vi lệch chuẩn

10:03, 29/03/2019
.
Thời gian gần đây, cái tên Khá “bảnh” bỗng nổi tiếng trên mạng xã hội, trên Youtube, gắn liền với các livestream nói tục, chửi thề..., nhưng lại được giới trẻ coi như người hùng, một "thần tượng" để học theo, khiến dư luận bức xúc. Vậy, cách nào để loại bỏ tâm lý đám đông, a dua, bắt chước lẫn nhau, mà sâu xa bắt nguồn từ sự hâm mộ "thần tượng" lệch chuẩn trong giới trẻ hiện nay?

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Người dân ở khu vực thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) chẳng ai lạ lẫm với cái tên Khá “bảnh”, một thanh niên càn quấy, tham gia vào các hoạt động cờ bạc, cầm đồ và đòi nợ thuê ở địa phương. Theo cơ quan chức năng ở đây, Khá “bảnh” tên thật là Ngô Bá Khá. Khá từng bị cơ quan công an địa phương gọi lên giáo dục. 
 
Những clip của Khá “bảnh” đăng tải trên Youtube với lời lẽ dung tục, phản cảm và hình ảnh lệch chuẩn lại khiến giới trẻ phát cuồng. Đã có 2 triệu lượt người chia sẻ và ngay cả trang Facebook cá nhân của Khá “bảnh” cũng có rất nhiều người theo dõi. Đặc biệt, hiện tượng Khá “bảnh” được học sinh một số trường vây quanh chào đón, chụp ảnh, xin chữ ký giống như cách tung hô một ngôi sao thời thượng khiến dư luận bức xúc, lên án.
 
Dư luận cho rằng, qua thời gian, mạng xã hội ngày càng có nguy cơ trở thành “cái chợ” không biên giới, dung túng cho những việc làm xấu, lấn át cái cao thượng và tốt đẹp; là nơi để “rác thải” thông tin ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách và cả lối sống của nhiều người, trong đó đối tượng bị tác động nặng nề nhất là giới trẻ. 
 
Không chỉ hiện tượng Khả “bảnh” hoành hành trên mạng xã hội mà cả hiện tượng “phỏng vấn dạo” với những lời lẽ và hành vi tục tĩu cũng được dung dưỡng, trở thành “mốt” thịnh hành trong một bộ phận bạn trẻ. Bản tính tò mò của giới trẻ, việc hưởng thụ văn hóa thiếu kiểm soát, thiếu định hướng đã khiến môi trường mạng xã hội trở thành nơi kích hoạt những đề tài “hot” với những lời nói, hành vi phản cảm, trái quy luật, mà Khá “bảnh” là một ví dụ điển hình. Một số chuyên gia phân tích sâu hơn cho biết, hiện tượng Khá “bảnh” là một cái cớ để "nhà mạng" thu lợi nhuận từ quảng cáo hoặc nhằm tới một mục đích sâu xa nào đó có thể được sử dụng khi thời cơ đến.
 
Qua xem những clip mà Khá “bảnh” tung lên Youtube, nhiều người đồng tình nhận xét và đưa ra quan điểm khẳng định, đó là hành vi lệch chuẩn, cần phải bị loại bỏ trong đời sống. 
 
Cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên dạy môn giáo dục công dân Trường Tiểu học và Trung học M.V. Lômônôxốp ở TP Hà Nội chia sẻ, những lời nói, hình ảnh, thông tin được đăng tải trên mạng xã hội rất dễ được các bạn trẻ hấp thụ mà không cần biết tác hại. Nếu không được định hướng kịp thời thì hậu quả rất khó đoán định. Em Nguyễn Thị Thảo, học sinh lớp 10 Trường THPT Hàn Thuyên (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cho biết: "Nhiều bạn ở trường cũng nói về hiện tượng Khá “bảnh” với sự ngưỡng mộ, nhưng cháu không tò mò xem trên Youtube vì nhiều người đã cảnh báo về sự nhố nhăng và tác hại của những clip dạng này".
 
Thiết nghĩ, cùng việc áp dụng các hình thức giáo dục thanh, thiếu niên trong xã hội bằng việc phân tích, lên án nhằm tác động đến nhận thức của giới trẻ theo cách truyền thống như thông qua các diễn đàn, sự tuyên truyền của các phương tiện truyền thông..., chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực truyền thông và lực lượng chức năng. Đặc biệt là phát huy vai trò của nhà trường và gia đình trong việc phối hợp hành động, ngăn chặn “thông tin bẩn” xâm nhập và có nguy cơ làm băng hoại tư tưởng, lý trí, tình cảm của thế hệ tương lai.
 
Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng, để ngăn chặn hiện tượng “rác thải” trên mạng xã hội, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin có định hướng thì rất cần phát huy vai trò của cơ quan chức năng trong quản lý thông tin trên mạng xã hội và quản lý các mạng xã hội đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam; xử phạt nghiêm các vi phạm hành chính và gỡ bỏ những thông tin xấu độc, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống văn hóa tinh thần, đi ngược lại thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, đặc biệt là những thông tin có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của giới trẻ.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Nhung đề xuất, cần phát huy vai trò của nhà trường, tổ chức đoàn cơ sở trong định hướng tư tưởng học sinh, thanh niên. Trong đó, cần tập trung phân tích, làm rõ và lên án, tẩy chay mạnh mẽ những hành vi, các biểu hiện lệch chuẩn diễn ra trong đời sống xã hội, giống như hiện tượng Khá “bảnh”. Mục đích của việc này nhằm giúp giới trẻ, học sinh nhận thức được đúng - sai, cái cao thượng và thấp hèn, tính nhân văn và phản nhân văn, nhất là hệ lụy của các hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội. Mỗi giáo viên có thể chủ động tổ chức “giao lưu” trước giờ giảng trong mỗi tiết học, dành 5 phút để thông tin, phân tích cái được và chưa được của các hiện tượng, hành vi xấu xảy ra trong xã hội hằng ngày cho học sinh, giúp các em có cái nhìn đúng đắn, đúng bản chất sự việc.
 
Để giúp học sinh, thanh niên tránh được những thông tin xấu độc từ mạng xã hội thì vấn đề quan trọng là cần định hướng và khơi dậy văn hóa đọc trong giới trẻ. Nâng cao văn hóa đọc và hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ chính là cách tốt nhất để thanh niên thêu dệt ước mơ, bồi dưỡng lý tưởng và niềm tin, từ đó định hình được giá trị văn hóa và biết cách hưởng thụ văn hóa lành mạnh. Đây chính là “hàng rào ý thức” để không bị ngộ nhận và a dua theo những hành vi lệch chuẩn giống như hiện tượng Khá “bảnh”.
 
Dung túng, tạo cơ hội cho hành vi lệch chuẩn trong xã hội phát triển sẽ để lại hậu quả lâu dài. Sản phẩm hậu quả của nó là những nhân cách méo mó, dị tật và chắc chắn sẽ làm tăng tỷ lệ phạm tội ở thanh niên. Ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn trong xã hội cũng là cách để chuẩn bị nguồn nhân lực tương lai, nhằm đưa đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng. Trách nhiệm ấy phải gắn chặt với mỗi người, mỗi gia đình, mà trong đó, cơ quan chủ quản có chức năng quản lý nhà nước phải quyết liệt hành động, ngăn chặn từ gốc.
 
Theo Đức Tâm/Hà Nội mới

.