Những người truyền thông điệp hòa bình

06:03, 11/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là các thuyết minh viên (TMV) tại Khu chứng tích Sơn Mỹ. Với chất giọng truyền cảm, niềm đam mê và tình yêu quê hương, các TMV đã truyền thông điệp hòa bình đến với du khách trong nước và quốc tế.  

Trong những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có dịp trở về Sơn Mỹ, thuộc xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), nơi đã xảy ra vụ thảm sát khiến 504 thường dân bị sát hại. Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ Phạm Thị Vân Kiều, cho biết: Lượng khách đến tham quan tại Khu chứng tích Sơn Mỹ tăng lên đáng kể. Từ tháng 1.2017 đến nay, Khu chứng tích đã đón trên 200 nghìn lượt khách, trong đó có hơn 40 nghìn lượt khách nước ngoài. Để phục vụ du khách, các TMV phải nỗ lực trong việc trang bị kỹ năng, nâng cao kiến thức.

Chị Phạm Thị Vân Kiều (bên trái) thuyết minh cho một đoàn khách nước ngoài tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ.
Chị Phạm Thị Vân Kiều (bên trái) thuyết minh cho một đoàn khách nước ngoài tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ.


Là người có thâm niên hơn 16 năm làm TMV tại Khu chứng tích Sơn Mỹ, chị Phạm Thị Vân Kiều cho biết, đó là ngần ấy thời gian chị truyền thông điệp hòa bình đến với du khách. Tốt nghiệp ngành tiếng Anh, Trường Đại học Duy Tân, chị Kiều được nhận vào công tác tại Khu chứng tích Sơn Mỹ năm 2001.  Lúc đó điều kiện còn khó khăn, nên chị phải theo đồng nghiệp ghi chép những gì nghe được vào cuốn sổ cá nhân. Cứ thế, lần lượt các cuốn sổ đầy ắp chữ. Chị Kiều đã suy nghĩ và thu thập thông tin theo cách riêng, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của du khách. Với tình yêu quê hương và cảm nhận nỗi đau của những gia đình nạn nhân vụ thảm sát như chính nỗi đau của mình, chị Kiều đã truyền cảm nhận từ chính bản thân về làng quê Sơn Mỹ cho du khách. Điều đó đã chạm vào trái tim của những du khách đến với Sơn Mỹ.

Với chị Kiều, mỗi đoàn khách để lại cảm nhận khác nhau, và lưu lại tình cảm từ ánh mắt thân thiện. “Những người làm thuyết minh không thể kỳ vọng rằng cả đoàn khách đều cảm nhận những gì mình nói, mà chỉ mong muốn một số trong đoàn khách ấy sẽ thấu cảm với TMV”, chị Kiều chia sẻ. Tùy vào đoàn khách mà TMV chọn dung lượng để thuyết minh phù hợp, tránh sự nhàm chán. Và, quan trọng hơn cả là thuyết minh để du khách trong nước và quốc tế biết về vụ thảm sát Sơn Mỹ, hiểu rõ về sự chân chất, hiền hòa của người dân Sơn Mỹ.

Là một TMV mới vào nghề, nhưng với Nguyễn Thị Hữu Lộc (26 tuổi), Khu chứng tích Sơn Mỹ gắn bó với tình cảm rất đặc biệt. Tốt nghiệp ngành Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh năm 2014, đến năm 2015, Lộc được nhận vào công tác tại Khu chứng tích Sơn Mỹ. Sau 3 tháng về công tác tại đây, Lộc bắt đầu làm công việc chính thức của một TMV. Lộc cho biết, du khách đến Khu chứng tích Sơn Mỹ thường đặt ra các câu hỏi: “Vì sao lại xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ?”, “vì sao quân đội Mỹ lại chọn Sơn Mỹ để thực hiện vụ thảm sát?”...

Để trả lời được những câu hỏi trên đòi hỏi TMV phải hiểu rõ về lịch sử, và quan trọng hơn cả là làm thế nào để truyền đi khát vọng hòa bình của người dân Sơn Mỹ. Nhiều du khách sau khi được các TMV dẫn đi tham quan và thuyết minh tại các điểm ở Khu chứng tích, họ đã đến ghế đá và ngồi lặng thinh. Có lẽ, sau câu chuyện kể của TMV về vụ thảm sát Sơn Mỹ, họ suy ngẫm về tình yêu thương giữa người với người và hòa bình sẽ luôn là mong ước của tất cả mọi người trên trái đất này.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.