Ước mơ của những người trẻ

02:09, 27/09/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Thời sinh viên, tôi được học với một người thầy đặc biệt, ông nổi tiếng gần gũi với học sinh và cách giảng dạy không mô phạm. Trong học phần Xã hội học, ông ra đề thi dẫn lại câu nói nổi tiếng của Martin Luther King : " I have a dream", và hỏi ước mơ của chúng tôi là gì?

 

Hiệp sĩ tỏi Nguyễn Văn Định. Ảnh: P.L
Hiệp sĩ tỏi Nguyễn Văn Định. Ảnh: P.L

 

Chúng tôi có 60 phút để hoàn thành bài thi, mỗi người viết một ước mơ, không cần đến kiến thức trong sách vở. Một tuần sau, đến tiết dạy của thầy, ông trả bài cho chúng tôi và đọc lại những bài thi tiêu biểu. Ấn tượng nhất với tôi là ước mơ của một chàng trai quê Quảng Nam.

Chàng trai kể rằng mình sinh ra ở một vùng quê nghèo, người nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời quanh năm nhưng cái nghèo vẫn bám riết, nhiều người bỏ quê vào thành phố bán vé số lấy tiền nuôi con. Chàng trai ước mơ sau này mở một doanh nghiệp ở vùng quê để tạo công ăn việc làm cho người nông dân, giúp quê hương phát triển.
 
Một hoài bão đẹp nhưng cũng rất lớn lao. Bức tranh làng quê của chàng trai có những nét vẽ rất thân quen, những hình ảnh ấy có thể bắt gặp ở bất kì làng quê nào. Là đứa con của vùng quê ấy, chàng trai khát khao sự thay đổi. Nhưng từ hoài bão đến thực tế là khoảng cách rất dài.
 
Nhiều năm đã trôi qua, kinh tế nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng bức tranh làng quê về cơ bản vẫn vậy. Cơ giới hoá đồng ruộng đã giải phóng sức lao động cho người nông dân, nhưng đa số họ vẫn luẩn quẩn trong vòng tròn được giá mất mùa, được mùa mất giá. 
 
Không sống được với nghề nông, họ bỏ làng ra đi, hoà vào dòng chảy lao động di cư. Những đứa trẻ lớn lên cũng không cưỡng lại xu hướng này, lớn lên vào thành phố học đại học, cao đẳng rồi cố gắng bám trụ thị thành. Hệ quả là sức lao động và chất xám từ nông thôn bị "chảy máu" vào các đô thị lớn.
 
Tất nhiên, việc lựa chọn nơi ở, nơi làm việc là lựa chọn của mỗi người. Nhưng xu hướng này đã khiến nông thôn thiếu vắng nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu vắng một tầng lớp trí thức nông thôn có khả năng bắt nhịp với cái mới, tiếp cận khoa học kĩ thuật, nhạy cảm với thị trường để trở thành những hạt nhân truyền cảm hứng và giúp đỡ, định hướng trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân.
 
Những chương trình như "Nông thôn mới", những chính sách khuyến nông chưa thể giúp nông thôn phát triển như kì vọng, một phần vì chúng ta xây dựng nông thôn mới bằng những con người cũ.
 
Các nhà quản lý đã sớm nhìn ra vai trò của trí thức ở các vùng quê, bằng chứng như Dự án 600 đã góp phần thay đổi bộ mặt ở nhiều huyện, xã nghèo khi đưa các trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm công vụ trong cơ quan công quyền. Nhưng đó là lĩnh vực quản lý hành chính, chúng ta cần nhiều trí thức trẻ hơn thế. Họ có thể về quê để làm nông sản sạch, mở một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thủ công hay đưa những giống cây, con mới, tạo ra những việc làm mới ở nông thôn.
 
Trên thực tế, tâm lý "bám trụ thị thành" vẫn phổ biến. Nhưng những năm gần đây, bên cạnh những tít báo ca ngợi những người trẻ "lương tháng nghìn đô" ở công ty nước ngoài, có rất nhiều bài báo về những người có bằng cử nhân, thạc sỹ về quê làm nông và giàu nhờ nghề nông. Đó là một tín hiệu đáng mừng.
 
Tôi đã gặp nhiều "ông cử", "bà cử" như thế, những người về làng với khát khao thay đổi bức tranh ngành nông nghiệp. Đó là "hiệp sĩ tỏi" Nguyễn Văn Định, người bỏ bằng kĩ sư và một công việc nhiều người mơ ước để đi bán tỏi. Anh đau đáu với ước mơ nâng cao chất lượng, thương hiệu tỏi Lý Sơn để người trồng tỏi có cuộc sống tốt hơn.
 
Đó là kỹ sư Nguyễn Văn Tuệ, người đưa giống dược liệu cà gai leo về một ngọn đồi hoang vu ở xã Hành Trung, Nghĩa Hành. Đó là một cô nàng 9x ở xã Đức Phong, Mộ Đức học ngành du lịch nhưng lại về quê làm giàu bằng nấm rơm...
 
Những "ông cử", "bà cử" lội ngược dòng ấy có một điểm chung là thường bị phản đối khi bắt đầu. Nhưng họ đã thành công. Không chỉ tạo ra việc làm cho bản thân và những người xung quanh, câu chuyện của họ bắn ra những tia hi vọng rằng vẫn có thể sống và làm giàu nhờ nông nghiệp, truyền cảm hứng cho những "ông cử" khác về làng.
 
Chàng trai đầy hoài bão bạn tôi đã không thành công với nông nghiệp như những người trẻ tôi vừa kể, anh trở lại thành phố sau vài năm thất bại với một dự án ở quê nhà. Nhưng tôi vẫn nhớ về ước mơ của anh ngày ấy, ước mơ đẹp của một tuổi trẻ đầy hoài bão.
 
Và tôi tự hỏi rằng còn bao nhiêu "ông cử", "bà cử", bao nhiêu người trẻ xuất thân từ nông thôn có những ước mơ như thế?
 
Phạm Linh

.