Pokemon GO: Cú đập cánh của Icarus

10:09, 22/09/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Cơn sốt Pokemon GO khiến nhiều người "phát cuồng" đang dần hạ nhiệt. Bùng nổ đến đỉnh điểm rồi tuột dốc nhanh chóng, các chuyên gia công nghệ ví hiện tượng Pokemon GO như cú đập cánh của thần Icarus*.

 
Giới trẻ mải mê
Giới trẻ mải mê "bắt" Pokemon Go. Ảnh: P.L
 
Ngày 23.8, hãng tin Bloomberg công bố khảo sát của Axiom Capital Management về trò chơi Pokemon GO. Theo đó, trung tuần tháng 7, lượng người chơi/ ngày đã đạt đến mốc kỉ lục với gần 45 triệu người. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, lượng người chơi/ ngày giảm xuống còn 30 triệu. 
 
Cùng với đó, biểu đồ của Axiom Captial Management cũng cho thấy thời gian các game thủ dành cho trò chơi cũng đang có xu hướng giảm.
 
Trước đó, trên các diễn đàn game, YouTube đã xuất hiện nhiều chủ đề bày tỏ sự nhàm chán của các game thủ với trò chơi này.
 
Cơn sốt Pokemon GO
 
Cuối thập niên 90, đầu những năm 2.000, giới trẻ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới không xa lạ vì với những con Pokemon trong phim hoạt hình, truyện tranh Nhật Bản. Sưu tập bài Pokemon từng là sở thích của nhiều thiếu niên thời ấy.
 
Ngày 6.7, hãng Niantic phát hành trò chơi Pokemon GO trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành iOS và Android. Ứng dụng công nghệ thực tế ảo, trò chơi bắt người chơi phải ra ngoài săn thú ảo thay vì ngồi một chỗ trước màn hình di động hoặc máy tính như các trò chơi truyền thống.
 
Sự cộng hưởng của việc đánh thức kí ức của nhiều thế hệ và trải nghiệm công nghệ mới đã khiến Pokemon GO nhanh chóng trở thành một cơn bão cuốn giới trẻ vào guồng của nó. Khắp nơi, người người cắm mặt vào điện thoại đi động ra đường “săn” thú ảo khiến cuộc sống bị đảo lộn.
 
Ngày 27.7, họa sĩ theo trường phái biếm họa chính trị người Ba Lan Pawel Kuczynski đưa lên Facebook của ông bức tranh Control (kiểm soát), bức tranh vẽ một con Pikachu ngồi trên cổ điều khiển con người. Bức tranh đến nay đã được 282 nghìn lượt like và 275 nghìn lượt chia sẻ. Nhiều người chia sẻ chung một cảm giác rằng nhiều người đang trở thành nô lệ cho trò chơi này.
 
Bức tranh Control của Pawel Kuczynski.
Bức tranh Control của Pawel Kuczynski.
 
Một cảm giác hoàn toàn có cơ sở. Gõ từ khóa "Mải chơi Pokemon GO" trên Google, ta nhận được hàng trăm nghìn kết quả. Ở các trang đầu là những vụ tai nạn đáng tiếc do mải chơi Pokemon GO. "Mải mê tìm Pokémon, cô gái trẻ bị xe ô tô đâm chết tại chỗ", "Mải chơi Pokemon, tài xế Nhật gây tai nạn", "Mải chơi Pokemon GO, cô gái bị giật Iphone"...
 
Trung tuần tháng 8, bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc nước ta. Như thường lệ, vẫn là hình ảnh đường ngập, cây đổ. Nhưng lần này, một hình ảnh khác cũng được chia sẻ nhiều không kém là các bạn trẻ mặc áo mưa bắt Pokemon GO. Và như thường lệ, nhiều chỉ trích, phê phán về sự hời hợt, nông cạn, nhảm nhí được ném về phía những người trẻ.
 
Trò chơi Pokemon GO đã tạo một tiền lệ chưa từng có, khi đến ngành giao thông cũng phải gắn biển báo không chơi Pokemon khi đang lái xe, các cơ quan công quyền thì ra văn bản yêu cầu công chức, viên chức không chơi Pokemon GO vì tốn thời gian, lo ngại lỗ hỏng bảo mật.
 
Trên Vietnamnet, một nhà báo lo ngại: "Pokemon và con quái vật vô tính sẽ 'nhấn chìm' Việt Nam?". Giờ đây, những người chung mối lo như anh giờ đây có thể thở phào.
 
Vì sao chán Pokemon GO?
 
Từng chiếm lĩnh top đầu trong bảng xếp hạng trò chơi trên các kho ứng dụng của Apple và Google, đến ngày 21.9, Pokemon Go tụt xuống hạng 17 trên Appstore và thứ 4 trên Google Play.
 
Trên Google Trends (ứng dụng cho biết xu hướng các từ khóa tìm kiếm trên Google), biểu đồ cho từ khóa Pokemon GO là một đường cong lao lên rồi xuống dốc. 
 
Từ khóa Pokemon GO không còn được tìm kiếm nhiều trên Google.
Từ khóa Pokemon GO không còn được tìm kiếm nhiều trên Google.
 
Người dùng điện thoại di động không còn hào hứng với trò chơi này như lúc mới ra đời vì nhiều lý do. B.L.A.T, 21 tuổi, sinh viên một trường đại học chia sẻ, cô chán Pokemon GO vì trò chơi này lặp lại quá nhiều. Cách chơi cơ bản vẫn là đi vòng quanh, tìm Pokemon Stop (nơi có nhiều Pokemon), sau đó bắt Pokemon, huấn luyện, và thi thoảng mới có chiến đấu. "Một trò chơi không cần nhiều trí tuệ", B.L.A.T nhận xét.
 
Còn anh L.V, một nhân viên văn phòng thì thổ lộ, trò chơi Pokemon Go tiêu tốn quá nhiều pin, kết quả là điện thoại của anh thường xuyên trong tình trạng hết pin gây ảnh hưởng đến công việc. "Vừa tốn thời gian, vừa bị sếp than phiền, tôi đã xóa Pokemon Go ra khỏi điện thoại", anh V nói.
 
Đối với những người trưởng thành, việc đột nhiên cầm điện thoại bắt Pokemon Go khi đang di chuyển, làm việc, ăn uống với đối tác hay hẹn hò ban đầu mang lại một trải nghiệm thích thú, nhưng về sau thì ai cũng thấy "kì kì", ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân.
 
Còn các game thủ đang tuổi học trò thì than phiền ở góc độ kĩ thuật, Pokemon thường xuyên bị lag (bị nghẽn server), lại có nhiều hack cheat (chiêu thức gian lận). Hơn nữa, các Pokemon Stop (điểm tập kết Pokemon) chỉ tập trung ở thành phố, còn chơi ở vùng quê thì không bắt được nhiều Pokemon.
 
Mỗi người một lý do. Thành viên trên một diễn đàn game bình luận đầy triết lý: "Pokemon cũng như mọi điều khác trên đời, sẽ trở nên nhàm chán".
 
Thấy gì từ Pokemon Go?
 
+ Ở góc độ người dùng
 
1. Nhiều người đã lệ thuộc vào trò chơi để lại những hậu quả đáng tiếc. Đây là bài học cho bất kì người chơi nào. Cũng như vậy, trong cuộc sống chúng ta không nên quá lệ thuộc vào bất kì điều gì. 
 
2. Trào lưu nào cũng qua, vì vậy không cần lo lắng thái quá khi có một trào lưu mới ập đến.
 
+ Ở góc độ nhà sản xuất
 
1. Sự nổi tiếng quá nhanh và không chuẩn bị trước đã khiến Niantic phải vất vả vá lỗi và nâng cấp trò chơi. Cần chuẩn bị kĩ lưỡng khi đưa ra sản phẩm mới và chuẩn bị sẵn tâm lý cho sự thành công hoặc thất bại nhanh chóng.
 
2. Ở góc độ kĩ thuật, việc tạo ra chỉ một trò chơi là chưa đủ mà phải tạo ra một hệ sinh thái công nghệ (ecosystem) xung quanh nó.
 
* Icarus là vị thần trong thần thoại Hi Lạp, được cha ban cho đôi cánh sáp và dặn không được bay quá cao, nhưng chàng quên lời cha dặn mà mải mê bay mãi, đến khi bị mặt trời thiêu đốt đôi cánh rồi rơi xuống đất.
 
 
Phạm Linh
 
 

.