Người trẻ cần sự bao dung và tha thứ

08:08, 18/08/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Malia Obama, cô con gái 18 tuổi của Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự một lễ hội âm nhạc và hút một điếu thuốc được cho là có "cần sa". Hình ảnh cô hút "cần sa" - như lời cáo buộc, được nhiều tờ báo đăng tải và tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều.

Theo một thống kê mới đây, 13% người lớn ở Mỹ hút cần sa. Nhiều tiểu bang đã hợp pháp hoá chất kích thích này. Tuy nhiên, cho đến nay, Cục Phòng chống ma tuý Mỹ (DEA) vẫn liệt kê cần sa vào danh mục ma tuý nguy hiểm.

 

Trong không khí căng thẳng của cuộc tranh cử tổng thống, hình ảnh con gái của tổng thống đương nhiệm thuộc đảng Dân chủ "hút cần sa" không còn là câu chuyện về lối sống của giới trẻ, mà được nhiều người lèo lái sang chính trị. Nhưng liệu uy tín của một chính trị gia như Obama có giảm sút chỉ vì hình ảnh cô con gái  "hút cần"?

Malia Obama là một cô gái trẻ, dù là con gái tổng thống song cô cũng có đời sống riêng của một người trẻ năng động. Cô bỏ buổi diễn thuyết của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hilary Clinton để tham dự chính lễ hội âm nhạc này, trước cáo buộc hút cần sa, Malia cũng bị chỉ trích khi hình ảnh cô ăn mặc mát mẻ, nhảy nhót trong lễ hội được tung ra.

Câu chuyện của Malia khiến tôi nhớ đến người bạn mới quen của mình. Trong một chuyến từ thiện, khác với những thành viên khác, cô gái ấy, một trong những thủ lĩnh của nhóm, không có vẻ ngoài ngoan hiền mà sở hữu nhiều hình xăm trên cơ thể. 

Câu lạc bộ từ thiện cô đang hoạt động là một trong những nhóm từ thiện uy tín nhất tỉnh. Hằng tháng, nhóm tổ chức phiên chợ từ thiện để gây quỹ. Số tiền đóng góp từ phiên chợ và các nhà hảo tâm sẽ được dùng để ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn, mua sách, vở, quần áo cho trẻ em vùng sâu vùng xa có điều kiện đến trường.

Một lần, cô thổ lộ, cha cô, đã rất sốc khi thấy hình xăm đầu tiên của con gái. Mẹ cô mắng rất nặng lời. Nhưng rồi những lần sau, ba mẹ cô buông xuôi, "mặc kệ con". Điều quan trọng là cô gái xăm mình ấy vẫn là người tốt, biết yêu thương gia đình và giúp ích cho cộng đồng.

Điếu thuốc bị cáo buộc chứa cần sa của Malia Obama hay hình xăm của cô gái bạn tôi, trong mắt cộng đồng và gia đình đều là những hình ảnh bị định kiến, là dấu hiệu của "ăn chơi sa đoạ", " lầm lỡ".  

Tôi không ủng hộ việc xăm mình và hút cần, nhưng câu chuyện của Malia và bạn tôi nói lên rằng, người trẻ luôn cần một đời sống riêng, thoát khỏi những lề thói, thoát khỏi cái gọi là "gia giáo", "đẳng cấp" của gia đình. Nhưng có bao nhiêu phụ huynh chịu nhìn vào để hiểu khoảng không riêng tư ấy?

Trong sự kiện của Malia Obama, theo dõi các mạng xã hội, tôi thấy nhiều người Mỹ phản ứng : "who cares?"(ai quan tâm?). Họ lập luận rằng cô đã 18 tuổi và cần có đời sống riêng, hãy để cô bé được yên. Và tôi chợt nghĩ đến những bạn trẻ Việt Nam, nếu phạm một "sai lầm" tương tự, gia đình họ và xã hội sẽ phản ứng như thế nào?

Tôi nghĩ về những em thơ mới tí tuổi đầu nhưng phải mang trên lưng một cặp xách nặng trĩu, bị ép đi học thêm để bằng bè bằng bạn. Tôi nghĩ đến một em trai học rất giỏi đã tự tử sau một kì thi lớn không đạt kết quả tốt. Những em mất tự tin, trầm cảm sau kì thi đại học lại phải chịu thêm áp lực từ phụ huynh.

Ép buộc con trẻ phải sống theo ý mình, không tôn trọng thiên hướng và khoảng không riêng tư có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ. Rất nhiều đứa trẻ "hoàn hảo" với bảng thành tích sáng sủa khi vấp phải thất bại sẽ khó tha thứ cho bản thân trước sự kì vọng của gia đình. 

Nhiều đứa trẻ đã biến thành cổ máy theo quy trình của người lớn, tốt nghiệp đại học, làm một công việc làng nhàng để chiều lòng bố mẹ, vùi lấp những khát vọng tuổi trẻ.

Khi người trẻ phạm một "sai lầm", theo quan niệm của người lớn, không khí đối thoại bị dập tắt bởi sự chỉ trích một chiều. Nhiều bậc cha mẹ lo "mất mặt" với hàng xóm, họ hàng hơn là thử ngồi xuống nói chuyện để hiểu con, từ tốn chia sẻ những kinh nghiệm đời mình.

Tôi từng đọc câu chuyện về một cậu bé bị cha mẹ nghi ăn cắp, cha cậu đã đánh những đòn roi giận dữ vào đứa con trai đến nỗi cậu bé cảm thấy bị xúc phạm đã bỏ nhà ra đi. Đến khi tìm thấy tài sản thì cậu con trai đã không về. Cậu bé lớn lên phiêu bạt giang hồ và trở thành một kẻ trộm, cướp thật sự. 

Thiếu vắng đối thoại, có thể để lại những hậu quả tai hại khi đẩy những người trẻ vào sự cực đoan.

Câu chuyện của Malia còn nói lên một thông điệp về sự bao dung và tha thứ "lỗi lầm" cho người trẻ, nếu đó thật sự là lỗi lầm. Sự tha thứ giúp người trẻ không đi qua phía bên kia bóng tôi, giúp họ cảm thông với người lớn, dung hoà giữa đời sống riêng tư và các quy chuẩn của xã hội nhiều hơn.


Hiền Linh


.