Làm thuê để giúp đỡ đoàn viên nghèo

07:07, 18/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để có kinh phí hoạt động Đoàn, từ đầu năm 2016 đến nay, 23 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của Chi đoàn thôn Tây, xã Trà Thọ (Tây Trà) nhận khoán thu hoạch keo, phát dọn nương rẫy... Một nửa số tiền làm thuê kiếm được các bạn nộp vào quỹ, rồi đem cho ĐVTN nghèo trong xã vay vốn không lãi suất để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

TIN LIÊN QUAN

Sáng tạo, nhiệt tình

Kể từ khi phát động đến nay, số ngày công đi làm thuê của 23 đoàn viên góp lại khoảng 220 ngày, số tiền góp vào quỹ được hơn 11 triệu đồng. Chia sẻ về việc làm ý nghĩa này, anh Hồ Văn Trợ - Bí thư Đoàn xã Trà Thọ cho biết: Là xã miền núi, người dân nói chung và ĐVTN trong xã nói riêng còn rất nghèo. Kinh phí hoạt động Đoàn thiếu trước hụt sau.

Nhiều hôm Chi đoàn tổ chức các buổi sinh hoạt, nhiều ĐVTN nêu ý kiến mong muốn hoạt động Đoàn của xã phải cần sôi nổi hơn. Những lúc như vậy, tụi mình chỉ biết nhìn nhau ái ngại, vì kinh phí quá ít, để gầy dựng phong trào”.

 

Từ số tiền vay được,  đoàn viên Hồ Văn Vĩnh có thêm điều kiện phát triển kinh tế.
Từ số tiền vay được, đoàn viên Hồ Văn Vĩnh có thêm điều kiện phát triển kinh tế.


Không trông chờ ỷ lại kinh phí từ cấp trên, từ đầu năm, các ĐVTN ở thôn Tây đã bàn bạc, tổ chức nhận khoán thu hoạch keo, dọn cỏ... cho các hộ dân trong xã để có tiền xây dựng phong trào. Bất kể trời nắng hay mưa, hễ người dân có nhu cầu thuê người làm là Chi đoàn đứng ra nhận “thầu”.

Số tiền công mỗi ngày kiếm được là 100 nghìn đồng/người, mỗi bạn trích ra 50 nghìn đồng nộp vào quỹ. “Trời nắng gắt, nhiều hôm nhận làm cỏ cho rừng keo của người dân ở xa khu dân cư, mình và hàng chục ĐVTN thôn Tây phải mang theo xoong nồi, lương thực để nấu ăn bữa trưa. Khó khăn, vất vả nhưng mọi người ai nấy đều dốc hết tâm sức để làm việc”- anh Trợ chia sẻ.
 

A-lô là có mặt

"Chi đoàn thôn Tây có 26 ĐVTN, trong đó có 23 bạn tham gia phong trào này. Đa số các bạn thuộc diện hộ nghèo, nhà ở khắp các chân đồi, việc tập hợp để xây dựng phong trào rất khó khăn, vì ai cũng bộn bề với công việc mưu sinh. Thế nhưng, các bạn đều tham gia rất nhiệt tình, không ai nề hà chi cả. Bây giờ, bà con trong xã ai cần người làm thuê, cứ nhấc máy “alô” là hôm sau ĐVTN thôn Tây sẽ có mặt đông đủ".
Anh Hồ Văn La - Phó Bí thư chi đoàn xã Trà Thọ (Tây Trà).

Tiếp tục hành trình

Hôm đến thôn Tây trên con đường đất nhầy nhụa, chúng tôi gặp đoàn viên Hồ Văn Vĩnh ở thôn Tây. Vĩnh cũng là người tham gia phong trào và là người đầu tiên được Chi đoàn cho vay không lãi suất, với số tiền 11 triệu đồng để mở rộng quy mô xưởng mộc của mình.

Đây là số tiền làm công của 23 ĐVTN trong thôn. Hoàn cảnh gia đình Vĩnh rất khó khăn. Nhà có bảy anh chị em, cha Vĩnh bị bệnh mất vào năm 2008, gánh nặng mưu sinh đè nặng trên đôi vai của người mẹ.

Để giúp đỡ gia đình, Vĩnh phải vất vả mưu sinh từ nhỏ. Anh cũng là người mở xưởng mộc đầu tiên trong xã, nhưng vì không có vốn để đầu tư quy mô, nên xưởng chỉ dám nhận làm những sản phẩm bàn, ghế đơn giản.

Giờ có tiền vay được, Vĩnh đầu tư mua thêm máy bào, máy phun sơn... nhận làm tất cả các sản phẩm gỗ từ bình dân đến cao cấp do người dân trong xã đặt làm.

Vĩnh cho hay: “Có máy móc hiện đại, mình mạnh dạn nhận nhiều đơn đặt hàng hơn. Công việc làm nhiều hơn và lợi nhuận cũng khá lên. Với tiền quỹ vay xoay vòng, sẽ giúp nhiều đoàn viên trong thôn có điều kiện vươn lên để thoát nghèo”.

Để đẩy mạnh phong trào này, anh Hồ Văn Trợ - Bí thư Đoàn xã Trà Thọ cho biết, sắp đến mô hình này sẽ tiếp tục nhân rộng ra các chi đoàn khác trên địa bàn xã. Đặc biệt sẽ có "cơ chế" giúp đỡ ngày công lao động đối với các gia đình đoàn viên có cha mẹ là thương bệnh binh, gia đình có đoàn viên đang tham gia nghĩa vụ quân sự.

Anh Võ Hồng Tín - Bí thư Huyện đoàn Tây Trà chia sẻ: Vì tính chất đặc thù nên phong trào đoàn ở các huyện miền núi không được sôi nổi. Tuy nhiên, với cách gầy dựng phong trào của ĐVTN thôn Tây xã Trà Thọ thì đây là một điểm sáng về cách làm sáng tạo, ý nghĩa.


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN


 


.