Giúp thanh thiếu nhi hoàn thiện bản thân

08:06, 04/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngoài sự giáo dục của nhà trường, sự quan tâm dạy dỗ của các bậc phụ huynh, thì việc tổ chức, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, sẻ chia với những bạn khó khăn... sẽ giúp thanh thiếu nhi có ý thức tự hoàn thiện bản thân. Đó cũng là những hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho các em được anh Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh chia sẻ với PV Báo Quảng Ngãi.

Anh Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh đoàn trao khen thưởng cho ĐVTN có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh thiếu nhi.                                                                                                                                                                                           Ảnh: TL
Anh Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh đoàn trao khen thưởng cho ĐVTN có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh thiếu nhi. Ảnh: TL


-PV: Thưa anh, vì sao chúng ta phải giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi?

Anh NGUYỄN HOÀNG HIỆP: Kỹ năng sống, theo cách hiểu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa, đó là khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có năng lực đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày. Kỹ năng sống quan trọng nhất là kỹ năng tự bảo vệ mạng sống và giúp người khác bảo vệ mạng sống trong những tình huống nguy hiểm.

Hiện nay, xã hội đang ngày càng phát triển, đất nước ta hội nhập sâu rộng với bạn bè quốc tế. Một bộ phận thanh thiếu nhi được sinh ra và lớn lên trong những gia đình ít con, có điều kiện kinh tế, được nuông chiều, tiếp cận quá nhanh với lối sống phương Tây... nên tỏ ra thờ ơ, vô cảm với nhiều vấn đề bức xúc, khó khăn trong xã hội; nhiều em khi gặp khó khăn trong học tập và những trở ngại trong cuộc sống không tự giải quyết được, liền nghĩ đến những hành động có hại đối với bản thân... Do đó, việc giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi còn có ý nghĩa giúp các em biết cách ứng phó với sự thay đổi, biến động của môi trường kinh tế, xã hội, không làm mất đi bản sắc, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ngoài kiến thức, các em đều cần trang bị cho mình những kỹ năng sống cơ bản nhất, để ngày càng hoàn thiện bản thân, trở thành những nhân tố tích cực trong quá trình phát triển, hội nhập của đất nước.

-PV: Vai trò của Đoàn, Đội trong việc trang bị kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi như thế nào?

Anh NGUYỄN HOÀNG HIỆP: Bên cạnh việc giáo dục của nhà trường, sự quan tâm dạy dỗ của các bậc phụ huynh, thì các cấp bộ Đoàn, Đội luôn chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, định hướng hình thành nhân cách cho thanh thiếu nhi. Trong đó đã triển khai hiệu quả các cuộc vận động, phong trào như: “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”, “Vì đàn em thân yêu”, “Nghìn việc tốt”, “Kế hoạch nhỏ”, “Vòng tay bè bạn”... Thông qua các việc làm thiết thực, ý nghĩa, các em nhỏ đã sẻ chia với bạn nghèo, động viên các bạn có hoàn cảnh khó khăn vui bước đến trường, thi đua học tập và nhân rộng những điển hình vượt khó học giỏi. Điều này đã góp phần hình thành lối sống đẹp ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, giúp các em biết yêu thương, giúp đỡ những bạn khó khăn quanh mình.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng đã phối hợp duy trì và tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh cho thanh thiếu nhi như: “Học kỳ trong quân đội”, “Học kỳ trên  biển”, “Em học làm chiến sĩ Công an nhân dân”, mở các lớp dạy bơi và tập huấn phòng chống đuối nước, các lớp năng khiếu hè, mở lớp dạy võ karatedo, vovinam miễn phí... Các hoạt động này đã thu hút đông đảo các em thiếu nhi, học sinh tham gia. Đây là phương pháp để giáo dục nhân cách, rèn luyện tính kỷ luật, nền nếp, thể lực, tính tự lập, tinh thần đồng đội; đồng thời nâng cao nhận thức của các em về tình cảm gia đình cũng như tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

-PV: Số lượng thanh thiếu nhi ở vùng nông thôn, miền núi, con em công nhân lao động ở tỉnh ta khá đông, nhưng các em lại ít được tiếp cận với những chương trình, hoạt động thực hành kỹ năng xã hội. Anh suy nghĩ gì về vấn đề này?

Anh NGUYỄN HOÀNG HIỆP: Thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều em thiếu nhi, học sinh chưa được tham gia các lớp kỹ năng thực hành xã hội do điều kiện còn khó khăn, đặc biệt là trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi, ven biển và hải đảo. Ngoài các tiết học môn Giáo dục công dân được dạy trong nhà trường có lồng ghép việc giáo dục kỹ năng sống cho các em, thì hầu như, các em rất ít được tham gia các lớp thực hành, giúp hoàn thiện kỹ năng sống. Tuy nhiên, sự sẻ chia, giúp đỡ của bạn bè, thầy cô và toàn xã hội cũng góp phần khơi dậy trong mỗi em lối sống đẹp, hướng thiện.

Xác định được điều này, những năm qua, các cấp bộ Đoàn, Đội trong tỉnh luôn hướng về những em thiếu nhi, học sinh ở địa bàn khó khăn, những trường hợp có hoàn cảnh bất hạnh, thiệt thòi, với những tình cảm chân thành, bằng nhiều phần quà và các hoạt động có ý nghĩa. Chẳng hạn như, Tỉnh đoàn tổ chức Tết Thiếu nhi cho trẻ em khuyết tật, trẻ em cơ nhỡ; Tết Trung thu cho trẻ em nghèo, trẻ em vùng nông thôn, miền núi và ven biển- hải đảo; thực hiện nhiều đợt khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho các em nhỏ mồ côi. Thăm và tặng quà cho các em học sinh các huyện miền núi, hải đảo, con em công nhân; trao tặng ngôi nhà “khăn quàng đỏ”, mở các “lớp học tình thương” cho học sinh nghèo...

Tham gia “Học kỳ trong quân đội” là cách để thanh thiếu nhi rèn luyện kỹ năng sống.               Ảnh: Nguyễn Triều
Tham gia “Học kỳ trong quân đội” là cách để thanh thiếu nhi rèn luyện kỹ năng sống. Ảnh: Nguyễn Triều


Mỗi dịp hè về, các cơ sở đoàn phối hợp với các đội tình nguyện tổ chức các hoạt động hè cho thiếu nhi, học sinh nông thôn với nhiều hoạt động vui chơi sôi nổi, bổ ích.


NGUYỄN TRIỀU
 (thực hiện)



 


.