Bài toán "đầu ra" cho cán bộ Đoàn lớn tuổi: Loay hoay đi tìm lời giải

10:06, 18/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cống hiến cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiều năm, các cán bộ Đoàn “quá tuổi” theo quy định đều mong muốn được trưởng thành Đoàn và luân chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp hơn. Tuy nhiên, bài toán "đầu ra” cho cán bộ Đoàn lớn tuổi vẫn chưa  tìm được lời giải.

Theo thống kê của Tỉnh đoàn, đến năm 2017- thời điểm diễn ra Đại hội Đoàn các cấp, thì có 2 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, 9 đồng chí cán bộ Huyện đoàn và 38 đồng chí là Bí thư Đoàn cấp xã quá tuổi so với quy định.

Những thủ lĩnh Đoàn U40

Anh Phan Phú (sinh năm 1979) đã có hơn 15 năm làm công tác Đoàn tại xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), trong đó gần 10  năm là Bí thư Đoàn xã. Từ ngày anh làm Bí thư, nhiều hoạt động của thanh niên xã được đổi mới, các phong trào văn hóa - văn nghệ trong đoàn viên thanh niên tổ chức sôi nổi, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Anh Phú tâm sự: Bây giờ, người trẻ có nhiều suy nghĩ khác, mà những cán bộ Đoàn lớn tuổi như tôi khó “bắt” kịp.

Hơn nữa, gắn bó với công tác thanh niên đã lâu, tôi cũng muốn chuyển sang một vị trí khác để tiếp tục tìm động lực làm việc mới. Con lớn của tôi cũng ngót 13 tuổi rồi, nhiều lúc sinh hoạt Đoàn cùng với... cha. Được biết, anh Phú nằm trong diện quy hoạch một số vị trí tại xã, song đến giờ vẫn chưa thể luân chuyển được.

 Anh Võ Thành Tâm - Bí thư Đoàn Khối CCQ tỉnh, trao quà cho học sinh nghèo hiếu học xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).
Anh Võ Thành Tâm - Bí thư Đoàn Khối CCQ tỉnh, trao quà cho học sinh nghèo hiếu học xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).

 

Kéo dài tuổi đoàn chỉ là giải pháp tình thế

Ông Trương Quang Tưởng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan (CCQ) tỉnh cho rằng, thời gian qua, Đảng ủy Khối cũng gặp khó khăn trong việc tìm “đầu ra” cho cán bộ Đoàn chuyên trách, nên buộc phải giải quyết tình thế bằng cách cho kéo dài thêm tuổi so với quy định. Việc sắp xếp, bố trí cho cán bộ Đoàn chuyên trách quá tuổi Ban Thường vụ Đảng ủy Khối CCQ tỉnh đã tính, song cái khó là tuyển mới cán bộ Đoàn chuyên trách vào thay thế, bởi số lượng biên chế không tăng thêm, chỉ chờ có người nghỉ hưu thì mới bổ sung được. Việc Ban Thường vụ Đảng ủy Khối linh động cho kéo dài công tác của cán bộ Đoàn chuyên trách đến 40 tuổi đã phần nào giải quyết được khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài thì phải tính toán, bởi nếu đã kéo dài đến 40 tuổi cho cán bộ đoàn chuyên trách, mà lúc đó vẫn chưa có người nghỉ hưu, hoặc không có thêm biên chế thì sẽ gặp khó. Do đó, các cấp, ngành cần ngồi lại, nghiên cứu có giải pháp tạo điều kiện để bố trí, giải quyết “đầu ra” cho cán bộ Đoàn.

Còn anh Phạm Hữu Hùng (37 tuổi) - Bí thư Đoàn xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi) được quy hoạch các chức danh: Phó Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch HĐND xã, nhưng sắp tới, thực hiện quy định mới thì địa phương lại dôi ra 1 Phó Chủ tịch UBND xã, cùng với đó là chủ trương tinh giảm biên chế.

“Thực tình thì tôi rất lo lắng cho tương lai công việc của bản thân. Mong rằng các cấp ủy tạo điều kiện bố trí công tác phù hợp cho những cán bộ Đoàn quá tuổi có công việc ổn định, để tiếp tục được cống hiến. Đó cũng là cách ghi nhận những đóng góp của chúng tôi sau bao nhiều năm làm công tác phong trào; đồng thời tạo niềm tin cho những bạn trẻ khi tham gia công tác đoàn”, anh Hùng bộc bạch.

Trên địa bàn TP.Quảng Ngãi hiện có 1 cán bộ Đoàn công tác ở Thành đoàn và 5 cán bộ Đoàn cơ sở (xã, phường) đã quá tuổi, nhưng “đầu ra” cũng chưa rõ ràng. Anh Phạm Quốc Vương - Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Quảng Ngãi, cho biết: Ban Thường vụ Thành đoàn đang tổng hợp danh sách, làm việc với Đảng ủy các xã, phường để có cơ sở báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy có hướng chỉ đạo, nhằm tìm ra giải pháp luân chuyển các cán bộ Đoàn quá tuổi quy định đến với công việc phù hợp.

“Việc làm lãnh đạo quá lâu không chỉ ảnh hưởng đến phong trào Đoàn mà còn cả tâm lý và sự tiến bộ của đoàn viên thanh niên, nhất là người đảm nhận vị trí Phó Bí thư Đoàn xã. Nhiều bạn trẻ làm công tác Đoàn, nếu thấy các anh chị đi trước cống hiến nhiều năm mà cuối cùng vẫn chật vật tìm kiếm công việc khác, thì họ sẽ thiếu niềm tin khi cống hiến cho Đoàn!”, anh Vương bày tỏ.

Gỡ khó từ đâu?

 Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó tìm “đầu ra” cho cán bộ Đoàn quá tuổi là do cơ chế luân chuyển cán bộ ở các địa phương còn nhiều khó khăn. Số lượng cán bộ trong định biên hạn chế. Do đó, khi cán bộ về hưu, chuyển công tác mới có “chỗ trống” cho cán bộ Đoàn thay thế. Ông Nguyễn Dũng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú, nói: Ban Thường vụ Đảng ủy xã cũng đau đầu với trường hợp của đồng chí Phan Phú.

Cán bộ Đoàn là nhân tố bổ sung nguồn cán bộ ở địa phương, nhưng hiện nay chúng tôi thật sự lúng túng trong việc sắp xếp. Anh Huỳnh Ngọc Thuận - Bí thư Huyện đoàn Tư Nghĩa, chia sẻ: Hiện nay, nhiều địa phương ở cơ sở còn bỏ ngỏ “đầu ra” cho cán bộ Đoàn. Theo tôi, ngoài sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, thì cũng cần cụ thể hóa bằng “Quy chế”. Có như vậy mới làm cho các bạn trẻ gắn bó với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Bên cạnh lý do khách quan là biên chế có hạn, chức danh đã đủ, phải chờ cán bộ nghỉ hưu, thì trên thực tế năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ Đoàn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu luân chuyển. Ngoài ra, việc chuyển sang công tác vị trí nào đó còn phụ thuộc vào sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân địa phương. Do đó, mỗi cán bộ Đoàn phải biết tự học để nâng cao trình độ, tu dưỡng, đáp ứng đòi hỏi tiêu chuẩn cán bộ trong tình hình mới.

Bài, ảnh: NG.TRIỀU - X.THIÊN
  

Cán bộ Đoàn phải tự trang bị tinh thần sẵn sàng cống hiến


 

Anh Nguyễn Hoàng Hiệp
Anh Nguyễn Hoàng Hiệp

Chia sẻ về vấn đề “đầu ra” cho cán bộ Đoàn, anh Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, thẳng thắn: Ngoài sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, thì bản thân cán bộ Đoàn phải tự học và tự trang bị tinh thần sẵn sàng cống hiến của người trẻ.

-PV: Xin anh cho biết, cán bộ Đoàn được xem là quá tuổi quy định như thế nào?

Anh NGUYỄN HOÀNG HIỆP: Việc quy định về tuổi công tác của cán bộ Đoàn đã được thể hiện trong Quy chế Cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành kèm Quyết định 289/QĐ-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, ngày 8.2.2010. Theo đó, Bí thư Tỉnh đoàn thì giữ chức vụ lần đầu không quá 35 tuổi và giữ chức vụ không quá 40 tuổi; Phó Bí thư Tỉnh đoàn giữ chức vụ lần đầu không quá 33 tuổi và giữ chức vụ không quá 38 tuổi; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn giữ chức vụ lần đầu không quá 32 tuổi và giữ chức vụ không quá 37 tuổi; cán bộ Đoàn cấp huyện và cấp xã giữ chức vụ không quá 35 tuổi, riêng đối với vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo... giữ chức vụ không quá 37 tuổi.

-PV: Khi quá tuổi thì cán bộ Đoàn có những quyền lợi gì, thưa anh?

Anh NGUYỄN HOÀNG HIỆP: Cũng theo quy định, khi cán bộ Đoàn đã quá tuổi công tác, thì cấp uỷ, tập thể lãnh đạo chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp để xem xét, bố trí, sắp xếp công tác cho cán bộ Đoàn chuyên trách phù hợp với trình độ, năng lực và quy hoạch cán bộ đã được phê duyệt. Bí thư, Phó Bí thư Đoàn từ cấp cơ sở trở lên, đạt tiêu chuẩn cấp uỷ viên thì được cơ cấu để bầu vào cấp uỷ đảng cùng cấp...

-PV: Thực tế hiện nay, nhiều cán bộ Đoàn chuyên trách quá tuổi công tác Đoàn, nhưng rất khó bố trí công việc khác, anh suy nghĩ gì về vấn đề này?

Anh NGUYỄN HOÀNG HIỆP: Trước tiên, tôi xin nhấn mạnh, bản thân mỗi cán bộ Đoàn cần tự học tập, rèn luyện, vươn lên để có trình độ chuyên môn, năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu luân chuyển cán bộ. Hiện nay, do khó khăn về biên chế, nên việc luân chuyển cán bộ Đoàn ở nhiều cơ quan, địa phương gặp khó khăn. Vấn đề này đang được các cấp bộ Đoàn quan tâm chỉ đạo và tìm biện pháp giải quyết. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng sẽ có công văn đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trong quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội Đoàn các cấp quan tâm, bố trí cho đội ngũ cán bộ Đoàn, đặc biệt là các đồng chí đã quá tuổi theo quy định.

N.T – X.T
 (thực hiện)

 





 


.