Thanh thiếu niên miền núi: Thiếu sân chơi bổ ích

03:04, 20/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thiếu sân chơi lành mạnh, bổ ích là một phần nguyên nhân dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu trong đời sống văn hóa, tinh thần của thanh thiếu niên (TTN) tại các huyện miền núi hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Nghèo đời sống tinh thần...

Tỉnh ta có 6 huyện miền núi với hơn 13.000 ĐVTN, chủ yếu là người đồng bào các dân tộc thiểu số Hrê, Cor và Ca Dong. Những năm qua, bằng nhiều chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước, bộ mặt kinh tế, xã hội ở các huyện miền núi đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, trái với những khởi sắc về kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của TTN còn nhiều thiếu thốn. Ngoài những kênh thông tin đại chúng cơ bản như phát thanh, truyền hình, ở các huyện miền núi còn có một vài Nhà văn hóa, Trung tâm Văn hóa – thể thao... nhưng hoạt động đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn TTN. Vì thế, sau thời gian học tập, lao động trên nương rẫy, hầu hết TTN chỉ xem ti-vi hoặc tụ tập uống rượu; các em học sinh quanh quẩn trong khuôn viên nhà sau giờ học. Nguy hại hơn là một bộ phận TTN ra các trung tâm xã, huyện để lao vào trong thế giới “ảo” của các trò chơi trên Internet...

 Đoàn viên thanh niên huyện Minh Long hào hứng tham gia sinh hoạt tập thể.
Đoàn viên thanh niên huyện Minh Long hào hứng tham gia sinh hoạt tập thể.


Chính đời sống văn hóa, tinh thần nghèo nàn đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự hình thành và phát triển kỹ  năng, nhân cách, cũng như lối sống của TTN ở miền núi. Thực tế cho thấy, tỷ lệ TTN miền núi tảo hôn sớm, sử dụng rượu, thuốc lá, ma túy, mại dâm hay ham mê trò chơi điện tử đang ngày càng gia tăng. Vì thế việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho thế hệ trẻ rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhất là Đoàn thanh niên, tổ chức giữ vai trò đoàn kết, tập hợp TTN. Thế nhưng, thời gian qua, tổ chức đoàn ở các huyện miền núi hoạt động chưa thật sự hiệu quả, chưa thu hút được nhiều TTN tham gia. Những buổi giao lưu, sinh hoạt tập thể, các câu lạc bộ dành cho TTN chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

...khó tập hợp thanh niên

Theo Ban Tổ chức Tỉnh đoàn, thời gian qua, Đoàn thanh niên các xã miền núi đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm thu hút TTN tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội, nâng cao nhận thức trong cuộc sống. Các chiến dịch tình nguyện như hỗ trợ xây dựng nhà nhân ái, làm đường - cầu giao thông nông thôn; công trình điện thắp sáng đường quê, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, thăm nuôi các gia đình chính sách; hiến máu nhân đạo... cũng được tổ chức thường xuyên, nhằm tạo sự chuyển biến về chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội trên địa bàn miền núi.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu hút, tập hợp TTN miền núi đến những sân chơi lành mạnh vẫn còn nhiều hạn chế. Do đặc thù của địa bàn vùng cao, hầu hết TTN có trình độ thấp và sống không tập trung nên việc đi lại, huy động TTN rất khó khăn. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế của TTN còn nghèo nên một bộ phận không nhỏ TTN rời quê hương đi làm ăn xa, số ở địa phương thì chỉ tập trung sản xuất và ít quan tâm đến các hoạt động xã hội. Trong khi đó, năng lực của đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội ở các huyện miền núi còn hạn chế, các chương trình hoạt động Đoàn còn đơn điệu cũng là nguyên nhân khiến công tác thu hút TTN thời gian qua chưa đạt hiệu quả.

Do đó, để tạo được những sân chơi lành mạnh, thu hút TTN tham gia cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác an sinh xã hội, dành nhiều ưu đãi cho TTN miền núi. Tiếp tục xây dựng lực lượng cốt cán là đoàn viên tiêu biểu gắn kết với ĐVTN, kiên trì vận động ĐVTN tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội và các hoạt động xã hội khác. Đầu tư cho TTN là đầu tư cho tương lai của đất nước. Mong rằng các cấp, ngành và toàn xã hội nên dành nhiều sự quan tâm,  tạo nhiều sân chơi lành mạnh cho TTN miền núi.

Bài, ảnh: HÀ XUYÊN

 


.