Bản lĩnh của chàng trai khuyết tật

06:03, 31/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù cơ thể khiếm khuyết, gia cảnh không khá giả, nhưng bằng ý chí, tinh thần dám nghĩ, dám làm, chàng trai 25 tuổi Đặng Nhất Duy ở thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) đã khẳng định bản thân, tự lực làm chủ cuộc sống của mình.

Không muốn trở thành gánh nặng

6 tháng tuổi, trải qua một trận sốt nặng, Đặng Nhất Duy vĩnh viễn mất đi đôi chân, trở thành người khuyết tật. Mẹ Duy, bà Lê Thị Hội khẽ lau nước mắt, nhớ lại: "Đêm đó, cháu Duy khóc to lắm, nhưng vì không có tiền đưa cháu đi khám bệnh nên chỉ có thể chữa bệnh cho cháu bằng phương thuốc dân gian. Sáng hôm sau thì Duy hạ sốt, nhưng đôi chân thì cứ lắc lư, mềm nhũn". Từ đó, cậu bé Duy chưa lần nào được chạy nhảy, vui đùa như bao đứa trẻ khác. Duy chỉ có thể ngồi một góc ở hiên nhà nhìn bạn bè vui đùa bắn bi, thả diều.

Chàng trai khuyết tật đầy bản lĩnh Đặng Nhất Duy.
Chàng trai khuyết tật đầy bản lĩnh Đặng Nhất Duy.


Đến tuổi đi học, thấy những đứa trẻ trong xóm vai mang cặp sách đến trường, Duy rất thích thú. Sợ Duy không chịu nổi sức ép bị bạn bè trêu chọc và chuyện học hành nên ba mẹ Duy không đồng ý để em đi học. Nhưng ham muốn được đi học của Duy cũng làm cho ba mẹ Duy xiêu lòng. Do vậy, Duy đi học trễ hơn tuổi một năm, nhưng Duy học rất nhanh. Để bắt kịp chương trình học, ngoài thời gian lên lớp, Duy dành hết thời gian ở nhà cho việc luyện chữ, làm toán, tập đọc. Nhờ vậy suốt 5 năm học cấp một, Duy luôn đạt thành tích tốt trong học tập và rèn luyện. Học ngoan và sống hiền hòa, gần gũi nên Duy được bạn bè, thầy cô yêu quý. "Hằng ngày, ba cõng tôi đến lớp, bạn bè cõng tôi về, thầy cô tận tình chỉ cho tôi. Được đi học tôi thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn", Duy chia sẻ.

Tuy nhiên, sau khi học hết cấp 2, Duy xin ba mẹ nghỉ học vì không muốn làm gánh nặng cho gia đình và bạn bè. Duy tâm sự: "Tôi nhớ nhất là khi học môn tin phải lên tận tầng hai, mỗi lần như vậy bạn bè đều thay phiên cõng tôi lên đó học. Từ lúc đó, tôi không muốn làm gánh nặng cho người khác, nên xin nghỉ học khi đang học lớp 10".
 

Anh Trương Quang Thu - Bí thư Đoàn xã Tịnh Thọ chia sẻ: "Duy hiền lành, chịu khó, luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống và luôn giúp đỡ mọi người. Sự nỗ lực của Duy, nhiều khi khiến chúng tôi quên Duy là một người khuyết tật. Duy xứng đáng là tấm gương để cho các thanh niên học hỏi và noi theo".

Bán vé số để... kiếm vốn

Nghỉ học, Duy xin ra Đà Nẵng đi bán vé số. Biết con trai mình là người quyết đoán, nghĩ là làm, nên ba mẹ Duy ủng hộ. Ngày đi, Duy không cho ba mẹ ra cùng, tự mình đón xe tìm đến cơ sở bán vé số để xin làm. Sau một thời gian bán vé số ở Đà Nẵng, Duy chuyển vào Bạc Liêu, Kiên Giang cũng mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Khi đó, cậu bé Duy còn chưa học xong lớp 10 nhưng lại có mục tiêu rõ ràng cho cuộc sống "Tôi muốn có một tiệm sửa chữa đồ gia dụng và sửa xe. Gia đình tôi khó khăn, tôi không muốn gây áp lực cho ba mẹ, nên để có vốn tôi quyết định đi bán vé số tích lũy dần", Duy cười hiền nói.

Sau khi tích cóp được một khoản tiền, Duy về quê xin đi học nghề sửa chữa đồ gia dụng ở huyện Sơn Tịnh. Vừa học vừa làm, tay nghề ngày càng chắc chắn, Duy về mở một tiệm sửa đồ gia dụng nhỏ tại nhà. Vừa mở tiệm, Duy vừa đăng ký đi học nghề sửa xe. Học xong một năm, tay nghề vững vàng, Duy kết hợp sửa xe và sửa đồ gia dụng tại nhà. Đến nay, cơ sở sửa chữa của Duy ra đời đã được hơn 5 năm. Không những vậy, mỗi năm Duy còn nhận dạy nghề miễn phí cho nhiều thanh niên trong xã.

Tinh thần học hỏi của chàng trai khuyết tật Đặng Nhất Duy chưa bao giờ vơi. Nhận thấy nhu cầu sinh hoạt văn nghệ của người dân ngày càng cao, Duy quyết định đi học đánh đàn organ. Sau một năm học nhạc, Duy tự sắm đàn, loa để phục vụ cho bà con trong và ngoài xã. Siêng năng, chăm chỉ làm ăn, từ việc chơi đàn và sửa chữa xe, đồ gia dụng Duy có thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Nhờ sự nỗ lực đó, chàng trai "tàn nhưng không phế" Đặng Nhất Duy được vinh danh "Tỏa sáng nghị lực Việt" do Tỉnh đoàn Quảng Ngãi và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức.   
 

Bài, ảnh: Đ.SƯƠNG

 


.