Cho đời nở hoa

05:08, 24/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi người một phần việc nhưng ở họ chung một hướng đi, đó là tô điểm cho đời thêm tươi đẹp. Ở họ luôn dạt dào nghị lực, niềm tin và tình yêu thương, san sẻ giữa con người.

Tuổi trẻ sống đẹp

Suốt hơn 10 năm gắn bó với công tác Đoàn và phong trào thanh niên, anh Đỗ Đăng Khánh-Phó Bí thư Huyện đoàn Bình Sơn đã cống hiến sức trẻ để đưa phong trào Đoàn của địa phương phát triển mạnh mẽ. Anh đã thành lập 17 CLB “Sống đẹp” trên địa bàn huyện. Những việc có ích cho cuộc đời, dù là đơn giản nhất, những bạn trẻ ở CLB “Sống đẹp” đều thực hiện để tiếp thêm niềm tin, nghị lực giúp người nghèo khó vươn lên trong cuộc đời. “Ngày càng có nhiều thanh niên tham gia CLB. CLB Sống đẹp không chỉ giúp ích cho người nghèo khổ mà tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, định hướng lối sống đẹp trong tầng lớp thanh niên”, anh Khánh chia sẻ.
 
Bên cạnh đó, 5 năm qua, anh Khánh đã tham gia vận động thanh niên địa phương tình nguyện hiến 1.184 đơn vị máu. Bản thân anh cũng đã 10 lần hiến máu tình nguyện; đồng thời anh còn trực tiếp “chỉ huy” nhiều chiến dịch tình nguyện hè,  với hơn 1.400 lượt ĐVTN tham gia khám-chữa bệnh, nạo vét kênh mương, làm đường giao thông nông thôn...  

Tiết kiệm để giúp người nghèo  

Mới 32 tuổi, nhưng chị Phạm Thị Sé đã có thâm niên gần 10 năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Mang Đen, xã Ba Vì (Ba Tơ). Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết đã giúp chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và mới đây được Hội LHPN tỉnh chọn tham dự Đại hội Thi đua yêu nước của Hội LHPN Việt Nam.
 
Chị Sé đã tích cực vận động hội viên phụ nữ thực hiện phong trào thi đua “Làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Chị đã xây dựng mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, thu hút 100% hội viên phụ nữ tham gia. Đến nay đã thu được hơn 500kg gạo giúp đỡ cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để giúp chị em thoát nghèo, chị Sé vận động đóng góp 5.000đồng/hội viên/tháng. Chị em nhiệt tình hưởng ứng, đến nay đã tiết kiệm gần 37 triệu đồng, giúp cho 15 hội viên nghèo vay không tính lãi để phát triển kinh tế gia đình. Thấy được hiệu quả trong công tác hội nên tỷ lệ chị em tham gia sinh hoạt Hội ngày càng tăng lên, đến nay đạt từ 80-95%. Việc làm của chị Sé rất đáng được biểu dương.

Để trái tim hồi sinh

Anh Bùi Đức Thọ-Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh luôn xem nỗi đau của trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh như nỗi đau của chính mình. Dù khó khăn, vất vả đến mấy, anh quyết không chùn bước, góp sức mình để những trái tim bé bỏng được hồi sinh. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có hơn 1.500 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh. Phần lớn trong số các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Làm sao không nhói đau khi nhìn thấy các cháu gầy nhom, tay chân tím tái và quằn quại trong những cơn đau, làm sao không xót xa khi các cháu sẽ mất đi sự sống nếu không cứu chữa kịp thời”, anh Thọ trải lòng.

Chi phí mỗi ca phẫu thuật tim bẩm sinh từ 45 đến 100 triệu đồng. Với những gia đình nghèo thì lấy đâu ra ngần ấy tiền. Anh Thọ đã đi khắp nơi vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ. Với cái nghĩa, cái tình và tấm lòng chân thật, anh đã kêu gọi được nhiều nguồn tài trợ phẫu thuật tim cho trẻ em của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.200 trẻ em mắc các bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật. Hơn 98% trẻ em được phẫu thuật thành công, có cuộc sống khỏe mạnh. Có hơn 10.000 lượt trẻ em được khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh. Nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt của những đứa trẻ sau khi được phẫu thuật là món quà ý nghĩa nhất đối với anh, là nguồn động viên để anh tiếp tục góp sức mình cho nụ cười của trẻ thơ.

Lấy tình người quản giáo phạm nhân

 
Trung tá Nguyễn Đình Thân-Phó Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh chia sẻ: “Những đối tượng ở đây, dù họ phạm tội gì, có hoàn cảnh thế nào, họ đều được pháp luật tạo cơ hội để nhận sự đặc xá, khoan hồng. Nhiệm vụ của người cán bộ quản giáo là khiến họ nhận thức được sai lầm của mình và chấp hành tốt để có được sự khoan hồng đó”. Tình người chính là giải pháp hữu hiệu giúp Trung tá Thân thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, giáo dục cải tạo và hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân. Trung tá Thân kể về câu chuyện của một tử tù phạm tội giết người.

Phạm nhân này bị gia đình chối bỏ, con cái không một lần thăm nuôi. Thấu hiểu tâm lý và hoàn cảnh của đối tượng, trung tá Thân đã động viên anh viết thư xin lỗi gia đình. Anh đã  trực tiếp đến gặp gỡ, động viên con cái của phạm nhân này đến thăm cha. Nhờ sự kiên trì và chân thành của anh, những người con đã tha thứ cho lỗi lầm của cha mình và thường xuyên ra vào thăm nuôi cha. Với sự giúp đỡ của anh Thân, nhiều phạm nhân chuyển biến tốt, được giảm thời hạn tù, đặc xá và  tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Vượt khó làm giàu

Mọi người ai nấy cũng đều trầm trồ ngợi khen tấm gương vượt khó làm giàu của anh Nguyễn Hoài ở thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên (Bình Sơn). Trước đây, gia đình anh Hoài rất khó khăn. Bôn ba đủ thứ nghề nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Năm 2001, anh vay mượn tiền xây dựng chuồng trại nuôi 40 con heo thịt. Qua 5 năm, ước mơ thoát nghèo của gia đình anh đã thành hiện thực.

Từ cơ ngơi chuồng trại ban đầu 1.000m2 ở xã Bình Chánh, nuôi hàng trăm con heo nái, heo thịt, anh Hoài mở thêm trang trại ở xã Bình Nguyên, với diện tích hơn 2ha, kinh phí đầu tư 6,2 tỷ đồng, nuôi 150 heo nái, 900 con heo thịt. Ngoài ra, anh còn phát triển kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Trung bình mỗi năm anh Hoài đạt lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Hoài còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.

Đặc biệt, một mô hình hoàn toàn mới mà anh Hoài đã thực hiện thành công, giúp hộ chăn nuôi vốn gặp nhiều khó khăn, nay từng bước ổn định, đó là thành lập CLB chăn nuôi cùng sở thích. Anh đã gắn kết 20 hộ chăn nuôi ở 7 xã lân cận tham gia CLB, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp khép kín.  Các hộ chăn nuôi giúp nhau về con giống, nguồn vốn, kinh nghiệm chăn nuôi và cả tìm kiếm đầu ra, nhờ đó đã phát triển mạnh mẽ phong trào chăn nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình.

NHÓM PV
 

 


.