Hiệu quả từ "ngôi nhà 100 đồng"

09:10, 08/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phong trào xây dựng mô hình “ngôi nhà 100 đồng” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động đã được cán bộ chiến sĩ Ban CHQS huyện Lý Sơn hưởng ứng tích cực và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ mô hình “ ngôi nhà 100 đồng” nhiều chai lọ, sách báo cũ... đã được các chiến sĩ thu gom, phân loại về ngôi nhà rác, không những giữ gìn cảnh quan môi trường luôn sạch đẹp, mà còn tạo ra nguồn quỹ thường xuyên để cho các chi đoàn cơ sở có kinh phí hoạt động.

Hình thành ý thức từ việc nhỏ

Vào một buổi chiều cuối tháng 9.2014, chúng tôi có dịp đến thăm Đại đội 1 – Ban CHQS huyện Lý Sơn, giữa lúc cán bộ, chiến sĩ nơi đây đang tổng dọn vệ sinh doanh trại. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là rất nhiều chai lọ được các chiến sĩ thu gom, phân loại để bỏ vào ngôi nhà nhỏ ở góc của đơn vị mình.

Khi được hỏi về ngôi nhà nhỏ ấy, trung sĩ Bùi Trung Thịnh-Tiểu đội trưởng Đại đội 1 chia sẻ: Đó là “ngôi nhà 100 đồng” được đơn vị xây dựng để bỏ những rác thải tái chế được. Thịnh cũng cho biết thêm: "Trước đây khi tổng dọn vệ sinh doanh trại chúng tôi thu gom rồi đốt đi, nhưng nay có ngôi nhà rác chúng tôi đã ý thức hơn trong việc sử dụng những phế liệu một cách hợp lý, không còn tình trạng xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định". Còn chiến sĩ Hồ Văn Xuân tâm sự: Mỗi khi tôi và các đồng chí của mình đi huấn luyện về, khi thấy những chai lọ ngoài đường tôi đều nhặt về bỏ vào “ngôi nhà rác”, mong rằng sẽ có nhiều ngôi nhà như thế để mọi người chung tay bảo vệ môi trường.

 

Những chai lọ được bỏ vào ngôi nhà rác.
Những chai lọ được bỏ vào ngôi nhà rác.


Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đến nay phong trào tiết kiệm từ thu nhặt chai lọ, vật liệu thế thải đã trở thành nền nếp và mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy mô hình này còn mới mẻ nhưng ý nghĩa mà nó đem lại rất to lớn, tạo sức lan tỏa trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường của đơn vị và còn giúp cho đoàn viên thanh niên có ý thức hơn về bảo vệ môi trường. Trung tá Đặng Văn Học-Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Lý Sơn cho biết: Từ ngày phát động mô hình “ngôi nhà 100 đồng” thì cảnh quan của các đơn vị trở nên xanh, sạch hơn. Nguồn thu từ những ngôi nhà rác này cũng tạo điều kiện cho các chi đoàn có kinh phí hoạt động. Không những vậy nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng được giúp đỡ từ mô hình này.

Cần nhân rộng

“Ngôi nhà 100 đồng” là ý tưởng của thượng tá Nguyễn Văn Hạnh - Trợ lý thanh niên Cục Chính trị Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) đoạt giải nhất trong cuộc thi “Hiến kế tặng Đoàn năm 2011”, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động. Mô hình được cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lý Sơn hưởng ứng tích cực. Với tinh thần tự giác, tự nguyện, tiền bán phế liệu từ ngôi nhà rác, các bạn đoàn viên thanh niên đã góp phần công sức giúp đỡ đồng chí, đồng đội còn nhiều khó khăn, giúp những mảnh đời bất hạnh có được nơi ăn, chốn ở ổn định. Đồng thời còn nâng cao ý thức tiết kiệm của đoàn viên, thanh niên rèn luyện lối sống có trách nhiệm với xã hội, với môi trường, xây dựng cảnh quan đơn vị thêm xanh – sạch – đẹp.

Có rất nhiều cách để chúng ta tiết kiệm 100 đồng: Sau khi đọc xong 1 tờ báo, hãy cất đi và góp lại sau 1 tháng đem bán cho người thu mua giấy vụn. Uống xong một lon bia hay một lon nước hãy giữ lấy vỏ để bán. Khi tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới, nên tắt máy khi đợi đèn đỏ để tiết kiệm xăng. Tắt bóng đèn hay vòi nước khi không có nhu cầu sử dụng hoặc cứ ba ngày tiết kiệm một tin nhắn trên điện thoại...

Qua đó cho thấy, nếu huy động toàn thể cán bộ, đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh tham gia thì số tiền tiết kiệm được là rất lớn. Không chỉ những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang có hoàn cảnh khó khăn mà sẽ có rất nhiều người già neo đơn, đoàn viên, thanh niên và trẻ em nghèo trong tỉnh được sống trong những ngôi nhà vững chắc, ấm tình người. Bên cạnh đó, góp phần làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên Bộ CHQS tỉnh. Từ đó, ý thức tập thể, tinh thần tương thân, tương ái “mình vì mọi người” và thói quen tiết kiệm được phát huy cao độ, hiệu quả.

Bài, ảnh: Duy Khanh


 


.