"Quân tình nguyện" giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt

10:12, 10/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lũ  đã đi qua gần một tháng, nhưng nhiều địa phương ở vùng lũ Ba Tơ, Tư Nghĩa vẫn ngồn ngộn rác rưởi, sa bồi, sạt lở, tắc đường. Nội lực địa phương đã kiệt. Hai ngày nghỉ cuối tuần (7 và 8.12), Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định huy động tổng lực giúp Ba Tơ khắc phục hậu quả nặng nề mà cơn lũ lớn vừa đi qua để lại.

TIN LIÊN QUAN

Đường làng đã “mở”

Hơn 5 giờ sáng, khi sương đêm còn dăng phủ phố núi Ba Tơ, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện đã bắt đầu nắm cơm, sắp xếp cuốc xẻng chuẩn bị cho cuộc hành quân vượt hơn 40 cây số về vùng rốn lũ Ba Ngạc. Điểm tập kết là tuyến đường liên thôn B’Lăng đi K’rền. Hơn 300 người dân thôn B’Lăng đã chờ sẵn để cùng “hiệp đồng tác chiến” xử lý khắc phục khoảng 1.000m3 đất đá sạt lở từ ngọn đồi B’hăm vùi lấp hơn 150m trên tuyến đường này. Dưới sự “chỉ huy” của các già làng, đoàn người chia ra từng tốp, người cuốc, người xúc, người khiêng. Miệt mài, cần mẫn, họ qua trưa bằng cơm nắm, muối mè, nước chè xanh, rồi nghỉ lưng tạm dưới tán rừng.

 

Lực lượng tình nguyện cùng nhân dân thôn B’Lăng (xã Ba Ngạc) khắc phục sạt lở đường giao thông trên địa bàn.       Ảnh: TN
Lực lượng tình nguyện cùng nhân dân thôn B’Lăng (xã Ba Ngạc) khắc phục sạt lở đường giao thông trên địa bàn. Ảnh: TN


Tranh thủ giờ “giải lao”, anh Phạm Văn Trên, thôn B’Lăng (xã Ba Ngạc) dẫn chúng tôi về làng mình. Cả làng hơn 200 hộ dân chỉ còn lại người già và trẻ em. “Con trai, con gái nó đi thông đường hết rồi. Từ hôm núi sạt đến giờ, làng mình chẳng có xe nào vào được. Cả làng B’Lăng như một vùng cô lập. Cho đến 2 giờ 30 phút chiều, toàn bộ lớp đất đá đã được dọn sạch. Con đường bê tông hiện lên, đón những bánh xe lăn qua chở ngói về lợp lại những căn nhà sau lũ.
 
Rời xã Ba Ngạc, chúng tôi quay về xã Ba Vì. Nắng chiều hắt xuống mặt nước sông Re xanh trong phẳng lặng. Rất khó có thể tin rằng lũ dữ lịch sử đã từng “kéo” qua nơi đây nếu như không được nữ Chủ tịch UBND xã Ba Vì Phạm Thị Mỹ Lệ dẫn về vùng Ma Nin, Iari và vùng Mang Cốc – nơi có những con kênh dài gần 3.000m đã bị san phẳng đang được lực lượng bộ đội, công an, dân làng, thầy cô giáo, công chức huyện dốc sức khơi thông.

Già làng Phạm Văn Oang, thôn Nước Xuyên (Ba Vì) mang nước chè xanh ra cho “các chú công an, bộ đội” phấn khởi bảo rằng: “Lũ dữ quá, kênh nát hết. Bộ đội, công an về giúp dân mừng lắm!”. Già Oang còn tấm tắc khen “các chú ấy” miệng nói tay làm, đồng bào ai cũng mến. Chúng tôi đã gặp Trưởng Công an huyện Ba Tơ Võ Văn Dương cùng các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Ba Tơ ngâm mình dưới nước sông ở  công trường đắp đập Ma Nin. Họ dàn thành hàng ngang chuyền đá từ bờ ra giữa sông xây đập. Chiều tắt, con đập đá đã hoàn thành trong niềm vui của cả dân làng.

 “Tìm lại ruộng cho dân”

Lũ dữ đã khiến cho 50 ha “ruộng mật” của xã Ba Động bị sa bồi, thủy phá. 50 đoàn viên thanh niên Công an tỉnh đã được tăng cường về nơi đây giúp dân “dọn ruộng” chuẩn bị cho mùa đông xuân tới. Họ lên đường từ 5 giờ sáng, mang theo cuốc, xẻng, bao tải, đòn khiêng vượt hơn 50 cây số mới đến được cánh đồng thôn Nam Lân. Gia đình chị Trần Thị Bình, ở thôn Nam Lân là “địa chỉ” đầu tiên được Công an tỉnh khắc phục sa bồi. 1,8 sào ruộng sát mé sông của gia đình chị Bình cát bồi hơn nửa mét. Sau lũ, ra đồng chị Bình nghĩ chắc phải bỏ ruộng mất thôi vì nhà chỉ có mình chị là cầm cuốc được, biết đến bao giờ dọn mới xong. “Nghe được các chú Công an tỉnh dọn ruộng giúp, tui mừng lắm. Mùa này có ruộng gieo sạ, nhà mình có lúa, có gạo ăn rồi!” – chị Bình phấn khởi nói.

Lực lượng công an, bộ đội biên phòng giúp dân Tư Nghĩa nạo vét kênh mương đưa nước về đồng phục vụ sản xuất.  Ảnh: M.H
Lực lượng công an, bộ đội biên phòng giúp dân Tư Nghĩa nạo vét kênh mương đưa nước về đồng phục vụ sản xuất. Ảnh: M.H


Dọc theo nhánh sông Re, nhiều cánh đồng ở các thôn khác của xã Ba Động như Hóc Kè, Tân Long Trung, Suối Loa cũng bị nước dữ tàn phá nặng nề. Bám theo những cánh đồng gần sông, suối, lực lượng tình nguyện Công an tỉnh đã có một ngày mệt nhoài nhưng vui vì đã giúp được nông dân vùng lũ. Trưởng đoàn tình nguyện giúp dân Ba Động, Trung úy Nguyễn Lê Văn Tiến – Công an tỉnh cho biết: “Nông dân miền núi quý nhất là ruộng lúa nước. Vì thế, trong hai ngày về đây, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình giúp người dân khắc phục sa bồi, thủy phá, để dân giảm bớt nhọc nhằn, sớm dọn xong ruộng cho kịp gieo sạ”.
 

Trong 2 ngày 7 và 8.12, tỉnh và huyện Ba Tơ đã huy động được hơn 2.000 ngày công của cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, đoàn viên thanh niên, nhân dân địa phương nạo vét hơn 5.000 m  kênh mương; thông tuyến gần 1.000 m đường giao thông; đắp 4 đập bổi; khắc phục sa bồi hơn 10 ha ruộng… Trước đó lực lượng bộ đội, công an địa phương đã giúp hàng trăm hộ dân dựng lại nhà ở, dọn dẹp đất đá sạt lở ở các khu dân cư; tặng quà, hỗ trợ gạo giúp người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống.
 Theo tổng hợp của Văn phòng UBND huyện Ba Tơ

Dồn sức sửa chữa kênh mương, cải tạo ruộng đồng

Sáng 7.12, huyện Tư Nghĩa đã huy động toàn lực tập trung ra đồng giúp dân khắc phục nạn sa bồi, thủy phá ở các tuyến kênh chính, những cánh đồng...

6 giờ 30 phút ngày 7.12, trên tuyến kênh N6 - 21 thuộc xã Nghĩa Hà, gần 100  thanh niên địa phương, Bộ đội Biên phòng Sa Kỳ, đơn vị C19, Trường Cơ giới... với cuốc, xẻng chia thành nhiều nhóm nạo vét đất cát bồi lấp kênh. Thượng úy Lê Văn Lợi-Chính trị viên Phó đồn Biên phòng Sa Kỳ, cho biết: "Mùa vụ đang đến gần, để giúp dân sớm đưa nước về đồng, làm đất gieo sạ, nghe cấp trên phổ biến là 70 đoàn viên của đơn vị đăng ký tham gia. Chúng tôi sẽ làm trong hai ngày với nhiệm vụ tu bổ đoạn kênh dài hơn 750m".  Xen lẫn trong màu áo xanh của lính, màu áo xanh tình nguyện của thanh niên còn có những nông dân cũng khẩn trương nạo vét.

Ông Trần Thiên Thanh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa cho biết, đợt ra quân lần này có khoảng 2.700 người tham gia. Đối với tuyến kênh cấp 2, thì lực lượng công an, bộ đội biên phòng, thanh niên nạo vét bùn, dọn cỏ cây trôi tấp. Đối với kênh nội đồng bị sạt lở thì ngành đã huy động sức dân. Bình quân mỗi xã có khoảng 150 người tham gia. Từ nay đến ngày 10.12, 25km kênh cấp hai và các tuyến kênh nội động phải được nạo vét, đảm bảo đưa nước về đồng cho dân làm đất cày ải, ngâm dầm xuống giống đúng lịch thời vụ.   
      
 

T.Nhị - M.Hạ
 


.