Tấm lòng của Cao Ngọc Hùng

08:05, 16/05/2013
.

Năm 2 tuổi, cơn sốt bại liệt đã làm teo chân trái của Cao Ngọc Hùng. Nhưng 21 năm qua, anh chưa từng một lần đầu hàng trước số phận.
 

Cao Ngọc Hùng tập luyện tại trường đua Phú Thọ - Ảnh: T.P.
Cao Ngọc Hùng tập luyện tại trường đua Phú Thọ - Ảnh: T.P.



Lần đầu tiên chúng tôi gặp Hùng là tại sân Bukit Jalil (Malaysia) chuẩn bị thi đấu môn ném đĩa ở ASEAN Para Games 2009. Ấn tượng về Hùng là chiếc gối phải (chân chịu lực) bị băng trắng vì chấn thương nhưng anh vẫn cắn răng thi đấu để đoạt HCV. Nhưng điều đáng quý nhất ở Hùng không chỉ là nghị lực vươn lên mạnh mẽ mà còn là tấm lòng biết sống vì những người cùng cảnh ngộ.

Nỗ lực vươn lên
 

Cao Ngọc Hùng sinh ngày 10-3-1990 tại xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Hùng đoạt chức vô địch VN các nội dung ném lao, ném đĩa, đẩy tạ từ năm 2005 đến nay.

Ở đấu trường quốc tế, anh đoạt 3 HCV Giải khuyết tật trẻ châu Á - Thái Bình Dương 2003 môn ném lao, ném đĩa, đẩy tạ, 2 HCV ASEAN Para Games 2008 môn ném lao và ném đĩa, HCV ASEAN Para Games 2009, 2011 môn ném đĩa, HCĐ châu Á 2006 môn ném lao, HCĐ châu Á 2010 môn ném đĩa, hạng 4 Paralympic London 2012 môn ném lao.

Hùng là con áp út trong gia đình 16 anh em tại huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Vì quá đông anh em nên dù ba mẹ cật lực làm rẫy, thợ rừng và thậm chí mò cua bắt ốc cũng không đủ ăn. Năm 6 tuổi, ba mẹ dắt Hùng vào TP.HCM với hi vọng đổi đời. Nhưng cái nghèo vẫn bám chặt lấy họ.

Hùng “kết duyên” cùng điền kinh một cách tình cờ vào năm 2004. Hùng kể: “Từ nhỏ tôi đã yêu bóng đá. Tôi rất thích được bay nhảy và làm thủ môn. Dù chỉ còn một chân lành lặn nhưng tôi vẫn chơi đá bóng phong trào với mọi người tại quận Bình Tân và Tân Phú mỗi chủ nhật. Lúc đầu nhiều người thấy ngồ ngộ nhưng tôi đã chinh phục họ với khả năng bắt bóng không thua gì người bình thường. Dù không thể dùng hai chân để chạy nhanh, bật cao như mọi người nhưng tôi có thể dùng cái đầu phán đoán tình huống”.

Năng khiếu thể thao của Hùng đến tai HLV tuyển điền kinh khuyết tật VN Đặng Văn Phúc. Nhưng lúc đó Hùng vẫn chưa muốn theo nghiệp VĐV. Vài tháng sau (năm 2005), bi kịch ập đến khi mẹ Hùng gặp tai nạn và bị liệt khiến kinh tế gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Quá túng thiếu, Hùng quyết định theo nghiệp thể thao để kiếm tiền lo cho bản thân và phụ tiền thuốc thang cho mẹ.

Từ đó, một ngày mới đã bắt đầu với Hùng. Từ 3-4g sáng anh phải thức dậy phụ bán phở với chị. Đến 9g, anh tập điền kinh hơn một giờ rồi quay về với những công việc không tên của quán để đến 14g lại đi học vi tính. Nhờ nỗ lực, Hùng trở thành cái tên nổi tiếng trong làng VĐV khuyết tật VN và Đông Nam Á. Ở đấu trường quốc tế, Hùng từng được xem là hiện tượng khi đoạt cùng lúc 3 HCV (ném lao, đẩy tạ và ném đĩa) tại Giải khuyết tật trẻ châu Á - Thái Bình Dương 2003. Tính đến lúc này, Hùng đã nhiều lần phá kỷ lục sau ba kỳ Asean Para Games và hạng 4 tại Paralympic 2012 ở London.

Tấm lòng của Hùng

Hiện Hùng đã có cuộc sống khá ổn định. Tuy tập luyện không có tiền lương nhưng nhờ thành tích thi đấu ổn định nên anh có thu nhập đủ sống. Ngoài ra, Hùng còn cùng một số đồng đội mở tiệm bán giày ở quận Tân Bình. Khi cuộc sống riêng tạm ổn, Hùng bắt đầu hướng đến những con người bất hạnh như mình và giúp họ vui chơi, hòa nhập xã hội. Hiện Hùng là HLV môn điền kinh cùng các đội bóng đá thiểu năng, khuyết tật của quận Tân Bình. Đội bóng của anh đã ba lần liên tiếp vô địch Giải thể thao người khuyết tật TP.HCM.

Hùng tâm sự: “Công việc này chẳng có lương bổng gì. Tôi xung phong huấn luyện các em thiểu năng vì bóng đá là đam mê của mình. Nhưng điều quan trọng là tôi muốn các em có được sân chơi để giải trí, học cách hòa đồng xã hội. Dạy người thiểu năng rất mệt và đòi hỏi sự kiên nhẫn bởi mình nói trước họ quên sau và rất dễ giận hờn. Tuy nhiên, nhìn nụ cười các em khi được vui chơi, bao mệt nhọc của tôi cũng tan biến”.

Tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2012, Hùng đã khiến nhiều người cảm động khi đưa cậu bé thiểu năng Đức Dương ra thi đấu môn ném đĩa. Khi Đức Dương cầm chiếc HCV trên tay, mẹ em tâm sự: “Nhờ thể thao, bệnh tật của Đức Dương đã thuyên giảm và sức khỏe cũng được cải thiện. Việc được vui chơi, thi đấu đã giúp Đức Dương nhận biết được nhiều chuyện và mạnh dạn hơn khi tiếp xúc người lạ. Đó là công lao của thầy Hùng và các HLV khác”.

 

Theo Tấn Phúc (Báo Tuổi Trẻ)

 

 


.