Trí thức trẻ đồng hành cùng bà con vượt nghèo

09:04, 09/04/2013
.

(QNĐT)- Sau gần 1 năm, 53 đội viên Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã tại 53 xã thuộc 6 huyện miền núi của tỉnh, với những trải nghiệm thực tế các trí thức trẻ bước đầu đưa kiến thức học được, áp dụng vào cuộc sống, từng bước khẳng định được vai trò và có những đóng góp tích cực đối với địa phương.

TIN LIÊN QUAN


Chiến tích khởi đầu


Vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, những trí thức trẻ đã hòa nhập, hăng hái làm việc, bước đầu tạo được niềm tin trong nhân dân và sự tín nhiệm của các cấp lãnh đạo. Mỗi người phụ trách mỗi lĩnh vực, nhưng họ đều  có đóng góp bước đầu vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại nơi mình nhận nhiệm vụ.

Với Trần Đình Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cao (Sơn Hà), trên cương vị Phó chủ tịch xã phụ trách kinh tế, Vũ trăn trở, không biết phải bắt đầu từ đâu, làm gì để giúp bà con thoát nghèo, khi mà tỉ lệ hộ nghèo của xã chiếm 55,6%, cận nghèo 12,93%, địa hình hiểm trở, cách xa trung tâm huyện 59km, tập quán canh tác còn lạc hậu...

Song, những khó khăn ấy càng hun đúc quyết tâm của anh. Vượt qua khó khăn, với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước Vũ đã sớm tiếp cận với công việc một cách chủ động.

"Những ngày đầu “lạ nước lạ cái”, chưa quen phong tục tập quán của bà con và bất đồng ngôn ngữ, nhưng mình đã từng bước tìm hiểu thực tế, gần gũi với bà con, để có những định hướng phát triển phù hợp. Nhờ thế, khoảng cách giữa mình với người dân dần được xóa bỏ"- Vũ chia sẻ.

 

Những Phó Chủ tịch UBND xã thuộc Dự án 600 cùng gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn
Các Phó Chủ tịch UBND xã thuộc Dự án 600 cùng gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn "Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó, phát triển bền vững".


Hơn ai hết, Vũ hiểu không thể làm người dân tin tưởng thông qua lời nói suông. Vì vậy, Vũ đã biến ý tưởng thành hành động cụ thể.

"Sau hơn 9 tháng nhận nhiệm vụ, mình đã cùng với các đồng chí trong tập thể lãnh đạo UBND xã tích cực tham gia huy động cấp phối, chống lầy 500m đường giao thông thôn Làng Trá để tạo điều kiện cho nhân dân vận chuyển mì, keo, mía. Tham mưu, tổ chức kế hoạch, cùng nhân dân đắp 2 đập chính, 23 đập bổi nhỏ, nâng tổng diện tích tưới của xã từ 125ha lên 160ha diện tích đất lúa. Phối hợp, triển khai các mô hình khuyến nông, hội nghị đầu bờ để trang bị kiến thức sản xuất có hiệu quả cho bà con..."- Vũ cho biết.

Vũ khoe với chúng tôi, ngay từ khi nhận công tác, lãnh đạo tin tưởng giao cho mình nhiệm vụ tham mưu tìm kiếm nguồn đầu tư. Đến nay, đã kiến nghị, đề xuất huy động đầu tư 12 tỷ đồng lồng ghép vào chương trình nông thôn mới, ngoài ra còn có một số nguồn vốn khác đầu tư theo kế hoạch phân khai.

Còn với Lê Minh Vương, sau hơn 9 tháng, trong vai trò Phó chủ tịch UBND xã Trà Xinh (Tây Trà), gác nỗi âu lo về nơi ăn ở, điều kiện làm việc thiếu thốn, khối lượng công việc nặng nề, hằng ngày Lê Minh Vương đến từng thôn, xóm để “mục sở thị” cuộc sống người dân, nắm bắt được tình hình và tham mưu với cấp ủy, chính quyền giúp bà con thoát nghèo.


"Khi nhận nhiệm vụ, tôi khá tự tin với kiến thức mà mình được học tại trường đại học cũng như những bài học tại chương trình tập huấn. Tuy nhiên trên thực tế mọi kiến thức học được chỉ đáp ứng một phần công việc, vì vậy tôi phải nỗ lực thâm nhập thực tế để có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành''- Vương cho biết.
 

Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 các huyện nghèo trong cả nước. Tại Quảng Ngãi, có 53 trí thức trẻ, có trình độ đại học được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã. Trong đó, Ba Tơ (17 đội viên), Minh Long (4 đội viên), Sơn Hà (9 đội viên), Sơn Tây (8 đội viên), Trà Bồng (7 đội viên) và Tây Trà ( 8 đội viên).
 

Lê Minh Vương chia sẻ: Xã Trà Xinh với hơn 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, 95% diện tích là đồi núi cao, địa hình chia cắt bởi sông suối, phần lớn diện tích đất canh tác lúa nước 2 vụ bị ngập sâu dưới lòng hồ Nước Trong, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Đa số thanh niên ở địa phương có trình độ văn hóa còn hạn chế, nhiều thanh niên thiếu việc làm đang là trở ngại lớn trong tiến trình xóa đói giàm nghèo, phát triển bền vững ở địa phương.

Vốn xuất thân là cựu một cán bộ Đoàn, nên Vương nhận thức được vai trò hết sức to lớn của lực lượng thanh niên nông thôn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Vì thế Vương đã chủ động tham mưu với UBND xã trực tiếp làm việc với BCH xã Đoàn xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện công tác tập hợp thanh niên phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Vương phấn khởi: Từ đầu năm 2013 đến nay, Trà Xinh đã có 17 thanh niên đăng ký học nghề trong tỉnh, 15 thanh niên đăng ký tham gia học nghề tại xã và 10 thanh niên đăng ký đi xuất khẩu lao động.


Tạo môi trường thuận lợi cho trí thức trẻ làm việc

Kể về những ngày đầu về làm cán bộ xã của mình, Phó Chủ tịch xã Sơn Thượng (Sơn Hà) Đặng Hữu Hoàng cho biết: Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, tôi có nhiều trăn trở, tuy nhiên sự quan tâm của các cấp chính quyền, của đồng nghiệp và tình cảm chân thành của người dân đã giúp tôi vượt qua trở ngại.

Hoàng chia sẻ, các đội viên luôn nhận được sự ủng hộ từ các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở, tạo các điều kiện để chúng tôi làm việc tốt nhất. Tuy điều kiện sinh hoạt tại xã còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn an tâm công tác, gắn bó với cơ sở, đi sâu đi sát cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn, được đồng nghiệp và bà con tại địa phương quý mến.

 

Đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn, Sở Nội vụ giao lưu, trao đổi những khó khăn vướng mắc mà các Phó Chủ tịch xã trẻ gặp phải
Đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn, Sở Nội vụ giao lưu, trao đổi những khó khăn vướng mắc mà các Phó Chủ tịch xã trẻ gặp phải


Anh Đặng Minh Thảo- Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho hay, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến địa phương, các trí thức trẻ còn được các cấp cán bộ Đoàn thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt  nhằm nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của các đội viên trí thức.

Qua đó, đã tạo được sự gắn kết giữa các trí thức trẻ với tổ chức Đoàn, Hội, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức Đoàn, Hội từ tỉnh đến địa phương có cơ hội giao lưu, học hỏi, tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên.

Ông Nguyễn Ngọc Linh- Phó Giám đốc Sở Nội vụ nhận định: Từ khi 53 đội viên thuộc Dự án 600 về giữ cương vị là Phó Chủ tịch UBND xã, dù bước đầu gặp không ít khó khăn về ngôn ngữ, phong tục tập quán, cũng như kinh nghiệm công tác...Tuy nhiên, qua thời gian các Phó Chủ tịch xã trẻ đã khắc phục về mọi mặt, nắm bắt kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân ủng hộ để ổn định công tác, từng bước thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.


 

Võ Văn Tiến- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bùi (Trà Bồng): Quan tâm đến công tác phát triển Đảng trong đội viên trí thức trẻ

Đa số đội viên trí thức trẻ chúng tôi chưa phải là đảng viên nên không được tham dự các cuộc họp cấp ủy. Vì vậy, việc nắm bắt các nghị quyết, chủ trương... của cấp ủy đảng còn hạn chế, sẽ khó khăn trong truyền  tải, thực hiện các Nghị quyết của Đảng trên cương vị lãnh đạo. Chúng tôi mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi được kết nạp vào Đảng, để có điều kiện tham bàn bạc những công việc trọng tâm của địa phương.
 

Lê Thị Thanh Điểm- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nham, Sơn Hà
 


Lê Thị Thanh Điểm- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nham, Sơn Hà : Khó khăn lớn nhất là ngôn ngữ và giao thông

Tôi thấy khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là điều kiện giao thông và việc chưa thông thạo ngôn ngữ địa phương khiến công việc đôi lúc gặp khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm của tuổi trẻ, tôi sẵn sàng đối mặt với thử thách, hi vọng sẽ gặt được thành quả xứng đáng.
 


 Bảo Ngọc


 

 

 


 


.