Vốn vay thanh niên: "Cầu" khó tiếp cận "cung"

01:01, 31/01/2013
.

(QNĐT)- Những năm gần đây, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều thanh niên đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, với những mô hình mang lại hiệu quả cao. Hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi là không thể phủ nhận, song trên thực tế, hiện nay nhiều thanh niên đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn này.

TIN LIÊN QUAN


Câu chuyện vươn lên phát triển kinh tế của thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn luôn là vấn đề được quan tâm. Hiện nay, lực lượng thanh niên nông thôn chiếm tỷ lệ khá lớn, đóng góp không nhỏ công sức trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.Tuy nhiên, để thanh niên vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu không phải là chuyện đơn giản.

Nguồn vốn  hạn chế

Với mong muốn đầu phát triển mô hình chăn nuôi nhím, anh Nguyễn Thanh Hà ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức)  cần khoảng 100 triệu đồng để đầu tư. Với một gia đình làm nông nghiệp thuần túy như gia đình anh thì 100 triệu là cả một vấn đề nan giải. Để biến ý tưởng trên thành hiện thực, lại là một câu chuyện dài. Điều mà anh băn khoăn, trăn trở hiện nay đó chính là nguồn vốn. Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay hộ nghèo tối đa chỉ được 30 triệu đồng. Số tiền được vay chỉ đủ để xây dựng chuồng trại.

 

Anh Hồ Ngọc Hàn ở xã Phổ Khánh (Đức Phổ) - một trong số những thanh niên phát triển kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi
Anh Hồ Ngọc Hàn ở xã Phổ Khánh (Đức Phổ) - một trong số những thanh niên phát triển kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi

 

"Đi vay ngân hàng theo phương thức thế chấp thì mình chẳng có gì để thế chấp. Đây là một trở ngại lớn để ý tưởng phát triển mô hình nuôi nhím của anh thành hiện thực"- anh Hà cho biết.

Trường hợp của anh Hà, chỉ là một ví dụ điển hình. Do thiếu vốn, con đường lựa chọn của đa số thanh niên nông thôn là “ly hương”, đi tìm việc làm ở các thành phố lớn.


Qua trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ đoàn các cấp trong tỉnh đều có chung nhận định: Nhu cầu vay vốn là rất lớn trong khi nguồn vốn vay ưu đãi dành cho thanh niên còn khá hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thanh niên.

Hiện nay, thanh niên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua nhiều kênh như: Chương trình 120 (Trung ương Đoàn); vốn hộ nghèo, vốn học sinh, sinh viên, chương trình hỗ trợ nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo làm nhà ở… từ NHCSXH.  

Tuy có nhiều kênh vay vốn, nhưng thông qua các kênh này, mỗi người cũng chỉ được vay vài triệu đồng, hoặc bằng cách này, cách kia người nhiều nhất cũng chỉ được vay vài ba chục triệu. Đối với những người mới bắt đầu gầy dựng cơ sở, thì con số này quả là quá hạn hẹp, khiến nhiều thanh niên không mấy mặn mà.

Chính sách bó hẹp

Theo thống kê, tính đến thời điểm này, tổng dư nợ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh với NHCSXH  ở mức 175 tỷ đồng, với 50 tổ tiết kiệm/30 xã, phường, thị trấn. So với các hội, đoàn thể khác thì con số này còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, đối tượng vay vốn chủ yếu là hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, còn thanh niên đứng ra vay riêng rất hiếm.

Nhiều cán bộ Đoàn thừa nhận, một thực trạng chung việc hỗ trợ TN vay vốn qua tổ chức Đoàn gặp những vướng mắc, khó khăn, nhất là chính sách còn quá bó hẹp.

"Do nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH ưu tiên cho hộ nghèo, mà đa số thanh niên không thuộc diện hộ nghèo, nên không đáp ứng được điều kiện vay của ngân hàng. Nhiều thanh niên sống chung với gia đình và theo quy định, trong một hộ gia đình, chỉ giải quyết cho một đầu mối đứng ra vay (thông thường là bố hoặc mẹ) nên khi thanh niên có nhu cầu vay thì thường không vay được. Đồng thời, muốn vay số tiền lớn thanh niên phải có tài sản thế chấp.Vì vậy nên số đông thanh niên chưa tiếp cận được nguồn vốn này để lập nghiệp"- Anh Lê Thanh Sơn- Phó Bí thư huyện Đoàn Mộ Đức cho biết.

 

Thiếu vốn nhiều thanh niên chấp nhận đi làm thuê hoặc
Thiếu vốn cùng với thiếu kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, không ít  thanh niên chấp nhận đi làm thuê hoặc "ly hương" để mưu sinh

Chị Huỳnh Thị Sương- Phó Trưởng ban TNNT CNVC & đô thị Tỉnh Đoàn cho rằng: Bên cạnh chính sách còn bó hẹp, nguồn vốn Chương trình 120 (Trung ương Đoàn) còn hạn hẹp, thì hiện nay, nhiều cấp ủy chính quyền địa phương chưa đặt niềm tin vào thanh niên, giao vốn cho thanh niên quản lý. Bên cạnh đó, do lực lượng biến động, nhiều thanh niên đi làm ăn xa, thiếu kinh nghiệm trong phát triển kinh tế... điều này khiến việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi gặp khó khăn.

Để thanh niên có điều kiện dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, anh Phạm Xuân Cường- Phó Bí thư huyện Đoàn Đức Phổ mong muốn: Cần tăng vốn kênh 120 của TW Đoàn, và tăng nguồn vốn giải quyết việc làm cho Đoàn Thanh niên, cũng như các chính sách cho thanh niên vay vốn hiện nay cần thông thoáng hơn. NH CSXH cũng cần phối hợp với các cơ sở Đoàn xem xét có mức vốn vay phù hợp với từng loại hình kinh tế để giúp thanh niên có cơ hội làm giàu. Cùng với đó, bản thân thanh niên cần mạnh dạn, năng động và táo bạo hơn nữa trong phát triển kinh tế.


Rõ ràng, chúng ta vận động thanh niên xung kích trên mặt trận kinh tế, nhưng thiếu mất điều kiện đủ để thanh niên phát huy được thế mạnh của mình. Hy vọng trong thời gian tới, nguồn vốn đến với thanh niên sẽ nhiều hơn, cụ thể và thiết thực hơn chứ không chỉ như "muối bỏ biển" như hiện nay.

 


                                                                                                    
Bài, ảnh:  Ngọc Đức


 


.