Nghị lực của chàng trai khuyết tật

08:07, 16/07/2011
.

Dù bại liệt hai chân từ bé nhưng Trần Tuấn Kiệt vẫn một mình gồng gánh để chăm lo cho 8 con người trong một gia đình.

Gánh gia đình trên đôi chân bại liệt

Tôi gặp Trần Tuấn Kiệt (sinh năm 1983, thôn Trung Lý, xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) trong một quãng thời gian ngắn ngủi khi anh đang chuẩn bị hành trang cùng đoàn Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ngãi rời Hà Nội sau khi tham dự Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ 2 của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Trong một quãng thời gian ngắn ngủi ấy, câu chuyện của chúng tôi cũng chỉ xoay quanh vấn đề: gia đình, cuộc sống và tình yêu.

Nhắc đến chuyện tình yêu, ánh mắt Kiệt lộ nét buồn buồn. Anh bảo, mình cũng đã có người yêu. Với anh đấy là một người con gái dũng cảm khi nhận lời yêu một người tàn tật như anh. Nhưng anh và cô ấy phải chia tay vì anh có quá ít thời gian dành cho người yêu của mình.

Trần Tuấn Kiệt trong đêm giao lưu điển hình tiên tiến toàn quốc của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
Trần Tuấn Kiệt trong đêm giao lưu điển hình tiên tiến toàn quốc của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

“Cô ấy trách cũng phải!”, Kiệt giải thích. Vì ngoài thời gian đi học- hiện anh đang theo học hai trường: Đại học Công nghiệp TP HCM cơ sở miền Trung và trường Đại học Khoa học Huế liên kết đào tạo tại Quảng Ngãi, anh còn đi dạy thêm, rồi nhận hàng điện tử về sửa chữa, tối đến đi sửa chữa máy tính ở quán internet đến 2-3 giờ sáng.

Có làm như vậy thì anh mới lo được cho 8 con người trong gia đình: ông bà nội bị tai biến; mẹ thì bị thần kinh tọa; bố thì già yếu và 3 người em, một đứa đang theo học đại học ở Đà Lạt, một đang học lớp 8 và một đứa em nữa đang phải sống cuộc sống thực vật.

Gia đình Kiệt nghèo, bố mẹ đau yếu luôn, các em lại còn nhỏ nên gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai anh.

Năm 2002, khi là sinh viên của Khoa Tin học- Trường Cao đẳng Cộng đồng Quảng Ngãi, ngoài việc đi dạy thêm, anh còn đi nhận đồ điện tử về sửa chữa. Ban đầu đi dạy thêm cơ cực lắm. Nhiều phụ huynh nhìn anh không mấy tin tưởng. Để chứng minh, anh nhận dạy không lấy kinh phí nếu các em không tiến bộ.

Rồi tiếng lành đồn xa, giờ anh không phải đến từng nhà dạy kèm nữa mà thuê hẳn phòng học dạy riêng. Kiệt khoe: “Kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, những học sinh tôi kèm cặp không có ai môn Toán, Lý dưới 8 điểm”.

Nhưng đáng nhớ nhất trong là trong dịp giáp Tết 2002, anh nhận chiếc motor 7 sức ngựa về cuốn nhưng gặp phải loại khó. “Khi đó mình vừa làm vừa lo. Lo không làm được thì lần sau người ta không cho mình nhận hàng về nữa. Làm mà sai thì lại không có tiền đền”. Mấy ngày mất ăn mất ngủ, rồi cuối cùng anh cũng vẽ được sơ đồ điện. “Hoàn thành chiếc motor mà mình mừng như phát điên”, Kiệt nhớ lại.

Cũng Tết năm đó, với số tiền gom góp, anh mua cho gia đình chiếc tivi. “Nhìn các thành viên trong gia đình chăm chú xem ti vi mà tôi không cầm được nước mắt”, anh Kiệt xúc động.

Có công mài sắt...

“Tôi đã rất nhiều lần chán nản, nhiều lúc muốn bỏ ngang nhưng nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến lời động viên của người những người sống quanh tôi, tôi lại phải phấn đấu gấp nhiều lần”.

Trần Tuấn Kiệt kể, năm lên 3 tuổi, bỗng dưng căn bệnh quái ác viêm tủy cắt ngang, liệt dây thần kinh vận động đã cướp mất đôi chân của anh. Dù bố mẹ đã bán những thứ gì có thể của một gia đình nhà nông nghèo để theo đuổi chạy chữa cho con nhưng đều vô vọng.

Khi tưởng chừng như cuộc đời anh sẽ trôi qua trong sự buồn tẻ và vô vọng thì năm 7 tuổi, bố mẹ anh động viên anh đi học cho bằng bạn bằng bè.

Con đường đến trường học cách nhà anh 1,5km. Nhà nghèo không có xe đạp nên dù nắng hay mưa bố mẹ vẫn thay phiên nhau cõng anh đến trường. Học được một thời gian, anh muốn xin nghỉ học vì anh nghĩ đến lời hàng xóm khuyên can bố mẹ anh: “Nó đã bị như thế rồi thì cho đi học làm gì”, rồi những lời trêu chọc của bạn bè, cũng như nỗi sợ hãi khi ngồi một mình ở trường để chờ bố mẹ đến đón về.

Bố mẹ anh động viên: “Con học giỏi thì không ai dám trêu con. Ngược lại còn thương con nữa là khác”. Thương bố mẹ, anh chú tâm vào việc học. Quả thực với những thành tích học tập của mình, bạn bè kính nể, thầy cô luôn lấy anh ra làm gương cho các bạn khác học tập. Trong 3 cấp học, anh luôn duy trì được thành tích học tập xuất sắc của mình.

Năm 2001, anh nhận được tin vui khi đậu vào Khoa Toán- Lý, trường Đại học Sự phạm Đà Nẵng. Để có tiền cho anh nhập học, bố mẹ đã phải bán đôi nhẫn kỷ niệm ngày cưới. Rồi mỗi tháng bố mẹ gom góp chu cấp cho 200.000 đồng. “Tiền ở trọ đã hơn 50.000 đồng/tháng. Nên nhiều khi nộp hết tiền học, mình phải ăn mì tôm cả tháng”, anh Kiệt kể.

Để có tiền theo đuổi việc học hành, anh tính chuyện đi làm thêm, nhưng khi tìm đến nơi xin việc, họ nhìn đôi chân tật nguyền của anh và lắc đầu. Chán nản, được 1 năm, anh bỏ học về quê. Ở nhà, nhìn các em nheo nhóc, nghĩ đến những tiếng thở dài não ruột của bố mẹ, anh quyết định lên TP Quãng Ngãi thi và đậu vào Khoa Tin học trường Cao đẳng Cộng đồng Quảng Ngãi.

3 năm học tập miệt mài, tốt nghiệp, cầm tấm bằng khá trong tay, anh đi khắp TP Quãng Ngãi tìm việc nhưng không ai nhận một sinh viên vừa ra trường mà còn bị bại liệt như anh. Buồn và thất vọng, anh gửi hồ sơ vào TP HCM thì được nhận vào làm việc. Tuy nhiên, anh phải gác lại công việc để tiêp tục học Đại học Công nghiệp TP HCM cơ sở miền Trung và trường Đại học Khoa học Huế liên kết đào tạo tại Quảng Ngãi.

“Vừa học vừa làm thêm, nhưng đợt vừa rồi mình cũng gom góp tiền để cho bố mẹ sửa lại căn nhà cấp 4. Cũng phải mất hơn 1 năm, căn nhà mới hoàn thành”, anh Kiệt tâm sự.

Học để giúp đời

Với một người khuyết tật như anh, dù cầm tấm bằng khá trong tay nhưng luôn gặp khó khăn khi đi xin việc làm. Tuy nhiên anh vẫn muốn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học hành. Anh muốn học để sau này có đủ kiến thức để xây dựng một cơ sở đào tạo nghề và việc làm cho những người khiếm khuyết. “Mình nghĩ chỉ có những người đồng cảnh mới hiểu nhau”, anh Kiệt giãi bày.

Địa chỉ liên hệ:
Trần Tuấn Kiệt- 356 Phan Đình Phùng, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Email: trantuankiet0612@gmail.com
Năm vừa qua được sự giúp đỡ về mặt tinh thần và vật chất của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ngãi, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Quảng Ngãi, UBND phường Nghĩa Chánh, anh cùng với các nạn nhân chất độc da cam thành phố thành lập cửa hàng Hùng Kiệt.

Cửa hàng tạo công ăn việc làm và đào tạo nghề cho nhiều anh em khuyết tật. “Hơn ai hết, tôi đã thấm thía sự khó khăn của người tàn tật khi xin việc”, anh bày tỏ.

Cửa hàng mới thành lập có quá nhiều khó khăn do nguồn vốn ít ỏi nên máy móc mua được chỉ là máy cũ trong quá trình thường xuyên hư hỏng, quy mô hoạt động còn nhỏ. Bởi vậy Trần Tuấn Kiệt chỉ mong các cấp xã hội, nhà hảo tâm quan tâm hơn để cửa hàng của anh ngày càng phát triển để có thể thu nhận được nhiều anh em khuyết tật hơn, giúp họ có công ăn việc làm ổn định cuộc sống, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Quay lại câu chuyện ban đầu, Kiệt bộc bạch: Mình đã tự hứa với lòng mình, khi nào lo cho hai đứa em thành tài tôi mới nghĩ tới việc lập gia đình, vì anh không muốn hai em mình cơ cực”./.
 
Theo VOV

.