Người Việt phải biết bơi

03:05, 22/05/2011
.

Đã đến lúc cần có những biện pháp quyết liệt hơn để phổ cập môn bơi cho học sinh thay vì những chủ trương mang tính khuyến khích, đề nghị.

Chưa quyết liệt

Trước đây, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã xây dựng và triển khai dự án phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có dạy bơi cho trẻ em, đồng thời phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch trong việc triển khai dạy bơi cho trẻ vào mùa hè, nhưng việc thực hiện cũng chưa hiệu quả.

Nên có biện pháp quyết liệt hơn để có thể phổ cập môn bơi cho học sinh
Nên có biện pháp quyết liệt hơn để có thể phổ cập môn bơi cho học sinh
Năm 2010, Bộ GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo đến Sở GD-ĐT trên cả nước về triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: các sở GD-ĐT cần đặc biệt quan tâm đến công tác dạy học môn bơi cho học sinh tiểu học. Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương, Sở GD-ĐT cần có kế hoạch và lộ trình chi tiết trong việc tổ chức triển khai thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học đạt hiệu quả cao nhất.

Bộ GD-ĐT còn đưa ra mốc thời gian cụ thể, đó là trong giai đoạn từ năm 2010-2015, cơ bản các tỉnh, thành triển khai được mô hình thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương. Đối tượng dạy bơi bắt đầu từ học sinh cấp tiểu học, tập trung vào khối lớp 4 và mở rộng dạy cho học sinh khối lớp 3 và lớp 5. Trước hết tổ chức thí điểm ở các trường có điều kiện thuận lợi, sau đó nhân rộng và thí điểm theo cụm trường và hướng đến tổ chức dạy bơi đại trà cho học sinh cấp tiểu học.

Mặc dù vậy, đến thời điểm này, cả nước mới chỉ có vài tỉnh, thành có những động thái rõ ràng để thực hiện chỉ đạo mang tính kêu gọi nói trên của Bộ GD-ĐT.

Tốt nghiệp tiểu học phải biết bơi

Nếu cứ ngồi kêu khó thì sẽ không bao giờ làm được, đó là quan niệm của Sở GD-ĐT Hải Dương trong việc đưa việc quyết tâm “xóa mù” bơi cho học sinh. Sở này xác định dạy bơi cho học sinh từ cấp tiểu học là yêu cầu bức thiết, vừa để giáo dục thể chất, vừa tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt cho học sinh.

Dự thảo “Chương trình quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích” sẽ chính thức trình lên Thủ tướng Chính phủ và phê duyệt trong tháng 6. Trong đó có kế hoạch “dài hơi” về phòng chống đuối nước cho trẻ với kinh phí từ ngân sách nhà nước. Dự kiến, sẽ có chương trình hỗ trợ dạy trẻ tập bơi, hỗ trợ xây dựng môi trường vui chơi giải trí, ngôi nhà an toàn… Ngoài ra, “Kế hoạch Liên tịch phối hợp phòng chống đuối nước giai đoạn 2011-2015” với 9 bộ, ngành vào cuộc hy vọng sẽ giảm thiểu được thực trạng đuối nước.
Theo khảo sát của Sở GD Hải Dương ở 279 trường tiểu học cho thấy tình hình học bơi của học sinh tiểu học hiện nay, dù phiếu điều tra không yêu cầu về kỹ thuật, kiểu bơi mà chỉ cần học sinh bơi tự do được 10m trở lên nhưng kết quả cho thấy, chỉ có 10,86% biết bơi.

Từ năm học 2010-2011, tỉnh Hải Dương chính thức triển khai đề án "Dạy bơi cho học sinh tiểu học" giai đoạn 2010 - 2015. Theo đề án, từ nay đến năm 2015, tỉnh Hải Dương sẽ xây dựng 122 bể bơi tại các trường tiểu học. Trong đó, năm 2010 và 2011 xây dựng từ 15 đến 18 bể.

Kinh phí xây dựng bể bơi và các công trình phụ trợ được lấy từ nguồn kinh phí dự phòng cho sự nghiệp giáo dục, đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình mục tiêu và nguồn xã hội hóa... Những trường chưa xây dựng được bể bơi, nhà trường sẽ cho học sinh tiếp cận với lý thuyết bơi và phối hợp cùng gia đình tổ chức cho các em thực hành tại các bể bơi công cộng, trung tâm thể thao dưới nước...

Theo ông Lương Văn Cầu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Hải Dương phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ có 50% số học sinh tiểu học biết bơi và mục tiêu cuối cùng là khi các em hoàn thành chương trình tiểu học thì cũng được "xóa mù" bơi lội.

Mục tiêu này của tỉnh Hải Dương là mong muốn của rất nhiều phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (phố Hoàng Cầu, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi chỉ mong có một quy định rõ ràng rằng đến một độ tuổi nhất định nào đó, học sinh buộc phải biết bơi. Ví dụ, hết cấp học tiểu học, học sinh phải có chứng chỉ công nhận đã biết bơi trong hồ sơ nhập trường ở cấp học cao hơn”.

"Để đẩy lùi đuối nước, nâng cao thể lực ở trẻ em không chỉ cần sự nỗ lực từ Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương mà cần sự hưởng ứng của toàn xã hội" -Ông Nguyễn Trọng An - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội

Ý kiến này cũng được các chuyên gia tỏ ra đồng tình, nhưng với điều kiện không quy định cứng nhắc các trường phải đảm nhiệm việc dạy bơi cho học sinh. Nơi nào có điều kiện khả thi thì làm, nơi nào chưa có điều kiện thì gia đình hoặc các tổ chức xã hội sẽ phải làm việc này, miễn sao trang bị được cho trẻ kỹ năng bơi lội có chất lượng thực sự. Một quy định bắt buộc phải biết bơi mới đủ điều kiện tốt nghiệp tiểu học sẽ là động lực khiến nhà trường, gia đình và xã hội quan tâm tới vấn đề này hơn.

Từ góc độ một người từng làm công tác quản lý, tổ chức giáo dục, ông Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho rằng: sở dĩ Bộ GD-ĐT không đặt vấn đề dạy bơi đối với học sinh THCS trở lên vì với độ tuổi này mới tính đến chuyện học bơi là quá muộn.

Cũng theo ông Bình, cần hiểu việc dạy bơi cho học sinh ở trong bối cảnh này đơn giản: làm sao để khi một người không may rơi xuống nước có thể không bị nước làm cho ngạt thở trong khoảng 30 giây đầu tiên. Nghĩa là bất kể trẻ bơi kiểu gì, có đúng kỹ thuật hay không không quan trọng, miễn là có thể nổi được dưới nước trong một thời gian nhất định, trước khi người khác đến cứu giúp.

Tuy nhiên, ông Bình cũng nói: “Đòi hỏi một môi trường lý tưởng rồi mới dạy bơi thì rất khó. Vì thế, các địa phương có thể tận dụng điều kiện tự nhiên ở địa phương mình để trẻ em được học bơi, khuyến khích các gia đình cho con đi học bơi từ khi các em còn nhỏ, vấn đề là phải kiểm soát được sự an toàn tuyệt đối về tính mạng cho người học bơi”.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cũng đồng tình với việc đa dạng hóa cách làm, miễn sao trẻ em biết bơi: “Để đẩy lùi đuối nước, nâng cao thể lực ở trẻ em không chỉ cần sự nỗ lực từ Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương mà cần sự hưởng ứng của toàn xã hội”.
 
Theo Bee

.