Xác lập quyền sở hữu trí tuệ: Nâng tầm giá trị nông sản

09:11, 29/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thông qua Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các địa phương trong tỉnh đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp bảo hộ và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tổ chức công bố văn bằng bảo hộ... góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm, giúp các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể sản xuất bền vững, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường và giúp người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm đảm bảo nguồn gốc và chất lượng.
[links()]
 
Tỏi Lý Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng.                Ảnh: HỮU DANH
Tỏi Lý Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: HỮU DANH
Nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng 
 
Cây nếp ngự có từ lâu đời ở xã Phổ Châu và phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) và là đặc sản địa phương. Dù vậy, sản phẩm nếp ngự vẫn chưa phát triển theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường và chưa phát huy được thế mạnh sẵn có của địa phương. Thế nên, mỗi năm chỉ có khoảng 30ha đất trồng nếp ngự phục vụ nhu cầu sinh hoạt, quỹ đất còn lại canh tác các loại lúa và cây màu khác. 
 
Sản phẩm gạo nếp ngự với nhãn hiệu tập thể “Nếp ngự Sa Huỳnh” của HTX Nông nghiệp xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ).
Sản phẩm gạo nếp ngự với nhãn hiệu tập thể “Nếp ngự Sa Huỳnh” của HTX Nông nghiệp xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ).
Nhận thấy hạn chế này, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xã Phổ Châu đã đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Nếp ngự Sa Huỳnh”, để thuận lợi trong việc tìm kiếm thị trường cho thành viên của HTX và giúp người dân sản xuất cây trồng theo hướng hàng hóa. Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Phổ Châu Nguyễn Hoành Sơn cho biết, việc xây dựng nhãn hiệu sẽ làm cho giá trị của sản phẩm tăng cao, người dân an tâm sản xuất và làm giàu từ cây trồng nổi tiếng của địa phương. Chúng tôi chủ trương  mở rộng diện tích, phát triển thành vùng sản xuất chuyên canh về giống nếp ngự này, bảo tồn nguồn giống cây trồng của người dân địa phương, với tổng diện tích quy hoạch gần 218ha.
 
Tương tự, sản phẩm “Quế Trà Bồng” nổi tiếng cả nước và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Theo đó, các đối tượng sản phẩm quế được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng” là: Vỏ quế thân, vỏ quế cành; bột quế dầu, bột quế vỏ; tinh dầu quế thân, tinh dầu quế lá và chi. Các sản phẩm từ quế đều có mùi thơm nồng đặc trưng, không ngái, vị cay ngọt pha lẫn vị đắng nhẹ...
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm quế Trà Bồng vươn xa, tiếp cận được thị trường rộng lớn hơn, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu, tăng thu nhập cho người dân. Phần lớn các sản phẩm sau khi được bảo hộ nhãn hiệu đã tăng giá bán, sản lượng tiêu thụ nhiều và thị trường được mở rộng hơn. Đặc biệt, sản phẩm từ quế Trà Bồng đã được đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian tới, huyện sẽ khuyến khích người dân phát triển, mở rộng diện tích trồng quế; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá sản phẩm, áp dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng quế để giữ vững thương hiệu, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.
 
Còn với nông dân xã Bình Hải (Bình Sơn), niềm vui lớn chính là củ hành tím sản xuất ở địa phương được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể (năm 2018), với sản phẩm “Hành tím Bình Hải”. Sau khi có được nhãn hiệu tập thể, sản phẩm hành tím được địa phương sản xuất theo quy trình VietGAP, với diện tích 20ha và đã được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời đã thực hiện xong quy trình truy xuất nguồn gốc, mã vạch, mã số cho sản phẩm. Đến nay, hành tím Bình Hải đã được người tiêu dùng cả nước biết đến.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải Phạm Cầu cho biết, diện tích trồng hành tím của toàn xã hiện có 150ha, được sản xuất 3 vụ, với sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm, tăng 135% so với năm 2017. Trong năm 2020, HTX Nông nghiệp Bình Hải đã thu mua và sơ chế khoảng 30 tấn hành thành các sản phẩm như: Hành sấy khô, hành hút chân không, hành muối chua. Sản phẩm “Hành tím Bình Hải” được quảng bá qua tài khoản Facebook "Hành tím Bình Hải"; đồng thời xây dựng một số cửa hàng trưng bày, mua, bán gắn với du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch biển đảo.
 
“Vừa qua, HTX Nông nghiệp Bình Hải đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Dầu phụng Vạn Tường” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ vào ngày 20/7/2021. Những sản phẩm nông nghiệp sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp bằng bảo hộ, nhãn hiệu... đã giúp sản phẩm nông nghiệp của địa phương bước sang một trang mới, nâng cao thu nhập cho xã viên và người dân”, ông Cầu nói.
 
Ngoài ra, một số nhãn hiệu tập thể khác cũng đã phát huy được giá trị, nâng tầm sản phẩm của địa phương như: Nước mắm Đức Lợi, Dầu lạc Đức Vĩnh, Nhang Nghĩa Hòa, Nước mắm Lý Sơn, Chả cá Lý Sơn...
 
Cần tiếp tục quảng bá thương hiệu
 
Nếu như năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 3 nhãn hiệu tập thể được đăng ký và cấp bằng bảo hộ (Muối Sa Huỳnh, Tỏi Lý Sơn và Quế Trà Bồng - Tây Trà), thì đến năm 2020 đã có 32 nhãn hiệu tập thể được cấp bằng bảo hộ, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 2 chỉ dẫn địa lý. Nhiều nhãn hiệu sau khi được chứng nhận đã có chỗ đứng trên thị trường, giá trị của sản phẩm được nâng lên và duy trì ổn định, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng nhãn hiệu, quản lý và phát triển cho các sản phẩm nông sản là cần thiết để góp phần thúc đẩy sản xuất ở địa phương phát triển.
 
Nông dân thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) thu hoạch hành tím.
Nông dân thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) thu hoạch hành tím.
Theo Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ - Thị trường công nghệ và Chuyên ngành (Sở KH&CN) Phan Thị Cẩm Vân, Chương trình KHCN Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, giai đoạn 2016 - 2020, đã thực hiện hỗ trợ cho 28 nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận, với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. Hiệu quả nổi bật là góp phần nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là các HTX, hiệp hội và địa phương trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm.
 
“Việc đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chỉ là bước đi ban đầu, nếu các địa phương không chú trọng đến khâu quản lý, phát triển nhãn hiệu, thì khó hình thành được các thương hiệu mạnh. Do đó, cần xây dựng chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn tiếp theo, với những biện pháp nhằm thúc đẩy việc xây dựng, khai thác, bảo vệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản của tỉnh. Bên cạnh đó, cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ để mỗi tổ chức, cá nhân sản xuất ra các sản phẩm nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu cho sản phẩm”, bà Vân nói.
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG
 
 

.