Học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết: Thành công với dự án kính hiển vi cải tiến 4.0

09:03, 09/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Em Trương Nguyễn Anh Huy và Nguyễn Thị Kim Hiển, học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết, đã thực hiện thành công dự án Kính hiển vi cải tiến 4.0 cho mô hình dạy học thực hành và nghiên cứu.

TIN LIÊN QUAN

Theo khảo sát tại một số trường phổ thông, trong 3 bộ môn: Lý, Hóa, Sinh, thì Sinh học là môn ít được thực hành nhất, vì đặc thù của môn học là cần có kính hiển vi - một thiết bị có giá thành cao, cồng kềnh, kém cơ động; đồng thời chỉ phù hợp với mô hình giảng dạy ở nước ngoài (chỉ từ 10 - 15 học sinh), trong khi ở nước ta lớp học thường có từ 30 - 40 học sinh.

Đây là lý do để Trương Nguyễn Anh Huy cùng nhóm bạn bắt tay vào nghiên cứu cải tiến kính hiển vi hỗ trợ trong việc giảng dạy bộ môn Hoá - Sinh. Huy chia sẻ: “Mô hình giảng dạy ở nước ta là học lý thuyết nhiều nhưng ít thực hành. Trong khi ở các nước có điều kiện, mỗi lớp được trang bị từ 10  -  15 kính hiển vi, còn ở Việt Nam thì hầu như không có”.

 

Mô hình Kính hiển vi cải tiến 4.0 của nhóm Trương Nguyễn Anh Huy và Nguyễn Thị Kim Hiển  là 1 trong 6 đề tài xuất sắc được Sở GD&ĐT chọn tham dự Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, do Bộ GD&ĐT tổ chức trong tháng 3.2019.


Điều làm hai thành viên trong nhóm trăn trở là làm thế nào để chế tạo một chiếc kính hiển vi phù hợp với mô hình giảng dạy ở Việt Nam, phục vụ được cho nghiên cứu khoa học và chuyển đổi kính hiển vi theo một hướng đi mới.

Sau khi nghiên cứu và hoàn thành dự án với giá thành ước tính khoảng dưới 2 triệu đồng, các em tự tin là nếu được đầu tư triển khai rộng rãi thì đây sẽ là cơ hội để hỗ trợ học sinh Việt Nam tiếp cận được với khoa học thực hành, giúp giáo viên nâng cao chất lượng bài giảng.

“Nhóm đã cải tiến kính quan sát hiển vi bằng cách sử dụng ngôn ngữ lập trình Python và thư viện xử lý hình ảnh OpenCV; đồng thời thông qua local host để đưa các hình ảnh thu được từ kính hiển vi lên các thiết bị trình chiếu cho nhiều học sinh cùng nhìn thấy”, Nguyễn Thị Kim Hiển cho biết.

Về nhược điểm khi phóng to lên màn hình cho học sinh cùng quan sát gây nhòa hình ảnh đã được nhóm nghiên cứu khắc phục bằng thuật toán để giảm tối đa hiện tượng vỡ hình khi phóng to. Ưu điểm của kính hiển vi cải tiến 4.0 của nhóm Trương Nguyễn Anh Huy là dễ dàng di chuyển, không gói gọn sử dụng trong phạm vi phòng thí nghiệm sinh học.

Sản phẩm có cấu tạo đơn giản, nhẹ, chịu được lực va đập và sử dụng trong một thời gian dài. Kính có thể trình chiếu, giảng dạy, chia sẻ hiệu quả đối với tất cả người học; có các tính năng hỗ trợ trong quá trình nghiên cứu, dạy học cho giáo viên, học sinh; đồng thời có thể phát triển thành thiết bị dùng chung cho các môn học khác. Một yếu tố quan trọng nữa là giá thành kính thấp, có thể tự thiết kế và phổ biến rộng rãi đối với tất cả các trường học.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.