Tảng băng trôi 1.000 tỷ tấn tách khỏi Nam cực

08:07, 13/07/2017
.

Tảng băng trôi khổng lồ vừa tách khỏi Nam cực sẽ gây thêm rủi ro cho tàu bè đi ngang lục địa băng này.

 

Hình ảnh vệ tinh ESA ngày 12-7-2017 cho thấy tảng băng trôi 1.000 tỷ tấn đã tách khỏi thềm băng Larsen C ở Nam cực
Hình ảnh vệ tinh ESA ngày 12-7-2017 cho thấy tảng băng trôi 1.000 tỷ tấn đã tách khỏi thềm băng Larsen C ở Nam cực

 

Ngày 12-7, các nhà khoa học tại Đại học Swansea và Tổ chức Khảo sát Nam cực của Anh (BAS) cho biết, một trong những tảng băng trôi lớn nhất thế giới, ước nặng 1.000 tỷ tấn, bề mặt rộng 5.800 km², đã tách khỏi thềm băng Larsen C ở Nam cực trong khoảng từ ngày 10 đến 12-7, đã làm thềm băng Larsen C giảm hơn 12% diện tích.

 
Theo Reuters, tảng băng trôi có tên A68 này đã trong tình trạng sắp tách rời trong vài tháng qua. Trong suốt mùa đông ở Nam cực, các nhà khoa học đã theo dõi tiến triển của vết nứt trên thềm băng bằng các vệ tinh của Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA).
 
Giáo sư Adrian Luckman của Đại học Swansea, nhà nghiên cứu đứng đầu dự án MIDAS theo dõi thềm băng này trong nhiều năm, cho biết, đây là một trong những tảng băng trôi lớn nhất từng được ghi nhận và sự tiến triển trong tương lai của nó rất khó dự đoán.
 
"Tảng băng trôi có thể vẫn là một nhưng rất có thể vỡ thành nhiều phần. Một số phần có thể vẫn ở trong khu vực trong nhiều thập niên, trong khi các phần khác có thể trôi giạt lên phía Bắc vào các vùng nước ấm hơn", Luckman cho biết.
 
Tảng băng trôi sẽ gây thêm rủi ro cho tàu bè khi nó đã bị tách rời. Khu vực bán đảo này nằm ngoài các tuyến thương mại lớn nhưng là điểm đến chính của các tàu du lịch từ Nam Mỹ.
 
Hồi năm 2009, hơn 150 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn đã phải sơ tán sau khi tàu MTV Explorer bị chìm vì va vào một tảng băng trôi gần bán đảo Nam cực.
 
Các thềm băng Larsen A và B, nằm ở phía Bắc bán đảo Nam cực, từng sụp đổ vào năm 1995 và 2002.
 
Nhà nghiên cứu khí hậu David Vaughan, Giám đốc khoa học tại BAS, cho biết: "Nếu Larsen C bắt đầu suy giảm đáng kể và cuối cùng sụp đổ, chúng ta sẽ thấy thêm đóng góp khác làm mực nước biển dâng".
 
Các tảng băng trôi lớn tách khỏi Nam cực một cách tự nhiên, nghĩa là các nhà khoa học không liên kết chúng với biến đổi khí hậu do con người tạo ra. Tuy vậy, băng là một phần của bán đảo Nam cực, nơi đã nóng lên nhanh chóng trong những thập niên qua.
 
Theo Luckman, cộng đồng khoa học có quan điểm không thống nhất, trong những tháng và năm tiếp theo, thềm băng có thể dần hồi phục, hoặc có thể có thêm các tảng băng trôi khác tách rời dẫn tới sụp đổ.
 
"Các mô hình của chúng tôi cho thấy nó sẽ ít ổn định hơn, nhưng bất kỳ sự sụp đổ nào trong tương lai vẫn nhiều năm hay nhiều thập niên nữa", Luckman cho biết.
 
BẢO NGHI/Báo SGGP

.