Phát hiện loại nấm có thể "ăn" nhựa dẻo

04:04, 03/04/2017
.

 


Các nhà khoa học từ Viện Thực vật Côn Minh thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc gần đây đã phát hiện ra một loại nấm có khả năng sản xuất enzymes giúp xử lý rác thải nhựa.

 

 
Ngày nay, con người đang phải đối mặt với khối lượng khổng lồ rác thải nhựa. Loại rác thải này không dễ dàng bị phân hủy bằng vi khuẩn, nấm hay các sinh vật nhỏ, nên nó là một bài toán khó cho các nhà khoa học từ nhiều năm nay.
 
Mới đây, tác giả của nghiên cứu được đăng trên tạp chí “Environmental Pollution” cho biết, họ đã tìm ra một phương pháp mới hiệu quả và an toàn để xử lý chất thải nhựa.
 
Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu đất và các mảnh rác thải khác nhau để tìm kiếm một sinh vật có khả năng tiêu hóa chất thải nhựa giống như các loại nấm ăn thực vật hay động vật chết. Cuối cùng, họ tìm được một loài nấm có tên Aspergillus tubungensis, thường sống trong đất. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, loài nấm này có thể phát triển trên bề mặt nhựa. Nó tiết ra các enzymes phá vỡ các liên kết hóa học giữa các phân tử nhựa hoặc polyme. 
 
Thông qua phương pháp kính hiển vi và quang phổ tiên tiến, nhóm nghiên cứu nhận thấy, nấm cũng sử dụng sức mạnh của sợi nấm - mạng lưới rễ giống như rễ của nấm - để phá vỡ các polyme. Nhựa tồn tại trong môi trường nhiều năm cũng có thể bị Aspergillus tubungensis phá vỡ chỉ trong vài tuần.
 
Khả năng phát triển của nấm phụ thuộc vào một số yếu tố từ môi trường như độ pH, nhiệt độ và loại môi trường nuôi cấy. Theo tiến sĩ Khan, trưởng nhóm nghiên cứu, mục tiêu tiếp theo của các nhà khoa học là xác định các điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của nấm và sự phân hủy của nhựa..
 
Đây có thể là nghiên cứu mở đường cho việc sử dụng nấm để xử lý rác thải nhựa trên quy mô lớn như trong các nhà máy xử lý rác thải hoặc trồng ở các vùng đất bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa. 
 
Tiến Đạt/Hà Nội mới

.