Lịch sử chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới

10:03, 26/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Tàu ngầm hiện không còn xa lạ với hải quân nhiều nước trên thế giới. Nhưng ít người biết được rằng chiếc tàu ngầm đầu tiên lại ra đời trong một hoàn cảnh cực kỳ đặc biệt.

Theo một tài liệu mới được công bố, thì chiếc tàu ngầm chiến đấu đầu tiên trên thế giới ra đời ở Mỹ vào thế kỷ XVIII, trong thời gian nước này bị quân Anh chiếm đóng. 

Mùa hè năm 1775, Hải quân Anh phong tỏa rất chặt vịnh New York. Mọi hướng ra, vào cảng đều bị các tàu chiến Anh bịt kín. Đã vài lần, người Mỹ tìm cách phá vòng vây, nhưng không thành công. Việc tiếp tế, thông thương với bên ngoài của cảng New York lúc ấy trở nên cực kỳ khó khăn.

Trước tình cảnh ngặt nghèo trên, một kỹ sư hàng hải tên là David Busnell đã nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc tàu đặc biệt có thể đi ngầm dưới mặt nước. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế là cả một vấn đề, song việc chế tạo vẫn được xúc tiến một cách khẩn trương, bí mật tại căn cứ Seibruk, bang Connecticut.  

 

Và chỉ trong một thời gian ngắn, Busnell và người em trai của mình cũng là một kỹ sư hàng hải đã xuất sắc giải quyết thành công hàng loạt vấn đề kỹ thuật hóc búa.  

Mùa xuân năm 1776, chiếc tàu ngầm chiến đấu đầu tiên trên thế giới ra đời. Nó có hình quả trứng, cao 2m, đường kính thân rộng 0,9m, chỉ đủ cho một người điều khiển. Sau vài lần thử nghiệm và hoàn thiện nữa, chiếc tàu ngầm này được bí mật vận chuyển bằng đường bộ từ bang Connecticut đến New York để sẵn sàng và thực thi nhiệm vụ chiến đấu. 

Vào đêm tối ngày 6/9/1776, Trung sỹ Hải quân Mỹ Izra Lee- một lính thủy can đảm, quê ở bang Connecticut đã nhận một nhiệm vụ hết sức đặc biệt: Điều khiển con tàu ngầm đầu tiên mang mìn, tiến công các tàu chiến của Hải quân Anh đang neo đậu ngoài khơi vịnh New York. Lee đã điều khiển con tàu ngầm bí mật tiếp cận được mục tiêu là một chiếc tàu chiến Anh to lớn, kềnh càng.

Thế nhưng, anh đã không thành công trong hành động tiếp theo: Lớp vỏ thép đáy tàu quá cứng và dày đã ngăn trở, không cho anh thực hiện việc khoan thủng để gắn mìn. Để tránh nguy hiểm, Lee buộc phải bấm mìn hẹn giờ và đẩy khối thuốc nổ nặng 113kg về phía tàu chiến Anh rồi nhằm phía bờ, phóng hết tốc lực.

Khi Lee đã rời tàu Anh một đoạn khá xa và an toàn thì khối mìn mới phát nổ. Tuy chưa bị đánh chìm nhưng các tàu chiến Anh cũng vội cấp tốc rời xa khu vực nguy hiểm. Vòng vây trên vịnh New York lập tức bị phá vỡ.

Qua thời gian các thế hệ sau này đã đạt đến mức độ hết sức tối tân. Thời gian đầu, tàu ngầm hoạt động bằng nguồn năng lượng diezen, đến những năm 50 thế kỉ XX, bắt đầu xuất hiện tàu ngầm nguyên tử.

Tàu ngầm nguyên tử hiện đại có lượng choán nước đến 20 nghìn tấn, có thể lặn sâu 300 - 610m; tốc độ chạy ngầm tới 35 hải lý/h (65km/h); thời gian hoạt động liên tục dưới nước khoảng 100 ngày; lượng nhiên liệu nạp một lần có thể dùng được trong 10 năm (ứng với quãng đường 400 nghìn hải lý); được trang bị các loại tên lửa (đường đạn, có cánh...) mang đầu đạn hạt nhân, ngư lôi tự dẫn, tên lửa - ngư lôi và trở thành một trong ba phương tiện tiến công chiến lược chủ yếu của quân đội nhiều nước.

Hoa Kỳ là nước có tàu ngầm nguyên tử OHIO mang tên lửa tầm xa Trident bắn xa 8.000km. Nga có loại tàu ngầm nguyên tử Đenta (Delta) mang tên lửa tầm xa SSN - 18, SSN - 20.

Q.Nhi

 

 

.