Dự án truy nhập internet công cộng: Cần có giải pháp đảm bảo tính bền vững

01:01, 06/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 2 năm triển khai tại Quảng Ngãi, dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” (Dự án BMGF) đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Song, để có thể đảm bảo hoạt động bền vững sau khi dự án kết thúc, các đơn vị được hưởng lợi từ dự án sẽ phải nỗ lực vượt qua nhiều thách thức...

TIN LIÊN QUAN

Nhiều tiện ích

Cuối năm 2014, Dự án BMGF đã hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho 64 điểm thư viện, bưu điện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Thư viện tỉnh được trang bị 40 bộ máy vi tính, 1 máy in, điểm thư viện huyện 10 máy tính, 1 máy in, thư viện xã và bưu điện văn hóa xã mỗi đơn vị 5 máy tính và một máy in. Sau 2 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ người dân nghèo, nhóm thiệt thòi và những người ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh có cơ hội được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả và bền vững với công nghệ thông tin. Đồng thời, dự án đã thu hút nhiều học sinh đến làm quen với máy tính và truy cập internet, qua đó hình thành cho các em tư duy mới trong việc ứng dụng công nghệ phục vụ học hành.

Máy tính của dự án BMGF tại điểm Bưu điện văn hóa  xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh).
Máy tính của dự án BMGF tại điểm Bưu điện văn hóa xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh).


Tại các hệ thống thư viện tỉnh, huyện, xã được nhận hỗ trợ từ Dự án BMGF, từ năm 2014 đến nay, hệ thống thư viện công cộng tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức phục vụ trên 100.000 lượt bạn đọc sử dụng và khai thác internet miễn phí. Cũng từ tháng 11.2014, 35 điểm bưu điện văn hóa xã nhận được hỗ trợ từ dự án cũng thu hút được 170 người truy cập tại mỗi điểm trên tháng.

Tại Bưu điện Văn hóa xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), từ khi nhận hỗ trợ từ Dự án BMGF đến nay, số lượng người truy nhập internet tại bưu điện ngày càng gia tăng. Thời gian đầu mới lắp đặt, tổng số giờ tiếp cận internet của khách hàng trong ngày đạt bình quân 10 – 15 giờ, thì nay đã đạt 20 – 30 giờ.  “Hiệu quả thiết thực nhất mà Dự án BMGF mang lại là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, những nơi vốn ít có điều kiện để tiếp cận với thông tin mới, thì giờ đây, qua hệ thống các bưu điện ở cơ sở, họ đã được sử dụng máy tính, truy cập internet theo giá ưu đãi để truy cập thông tin phục vụ sản xuất và học tập”, ông Phạm Văn Lập - Phó trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, Bưu điện tỉnh cho biết.

Cần giải pháp đảm bảo tính bền vững

Mang lại nhiều lợi ích thiết thực, song đến tháng 6.2017, dự án sẽ kết thúc hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Nghĩa là 64 điểm được hỗ trợ từ dự án, đến năm 2017 sẽ phải “tự túc” kinh phí hỗ trợ bảo hành máy móc thiết bị.

Ông Trịnh Thanh Tùng - Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Trong thời gian đến, để đảm bảo nguồn máy tính từ Dự án BMGF hoạt động hiệu quả, các địa phương cần đảm bảo nguồn nhân sự quản lý thư viện ổn định, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu phòng máy tính tại thư viện tỉnh, thư viện huyện, thành phố và các xã thí điểm mô hình nông thôn mới qua phương tiện thông tin đại chúng”.

Đề xuất về giải pháp tiếp tục tăng cường truy nhập internet cộng đồng kể cả khi Dự án BMGF kết thúc, ông Trần Duy Linh - Trưởng phòng Bưu Chính-Viễn thông (Sở TT&TT) cho rằng: “Trong thời gian đến, các cấp, ngành, địa phương cần có phương án xây dựng điểm thư viện, bưu điện văn hóa xã thành trung tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật và là trung tâm sinh hoạt tại mỗi địa phương để từ đó thu hút người dân đến sử dụng dịch vụ internet tại các điểm của dự án. Đồng thời, tranh thủ các nguồn tài trợ, ủng hộ các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin vào duy trì hoạt động của dự án để có thể tiếp tục duy trì việc giảm cước đường truyền cho các điểm thuộc dự án”.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.