Sóng viễn thông vươn mình ra biển

02:10, 12/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh như VNPT, Viettel, MobiFone không ngừng đầu tư hạ tầng, mở rộng vùng phủ sóng từ đất liền đến biển đảo, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc cho người dân, nhất là những ngư dân ngày đêm bám biển.

Quảng Ngãi có khoảng 5.500 chiếc tàu khai thác hải sản, trong đó tàu đánh bắt xa bờ chiếm hơn 50% nên nhu cầu liên lạc về đất liền của các ngư dân là rất lớn. Vì vậy, không chỉ đầu tư hạ tầng ở đất liền, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh còn chú trọng mở rộng vùng phủ sóng, kết nối dịch vụ viễn thông từ đất liền ra đến biển đảo.

 

Bằng việc xây dựng các trạm BTS khu vực biển, đảo; các đơn vị viễn thông đã đảm bảo thông tin liên lạc khu vực ven biển và trên biển.
Bằng việc xây dựng các trạm BTS khu vực biển, đảo; các đơn vị viễn thông đã đảm bảo thông tin liên lạc khu vực ven biển và trên biển.


Theo ông Huỳnh Minh Vũ - Giám đốc Trung tâm điều hành thông tin VNPT Quảng Ngãi: “Thời gian qua, VNPT đã mở rộng vùng phủ sóng, nhất là tại các địa phương ven biển. Trong năm 2016 này, VNPT đã và đang thực hiện dự án phủ sóng bằng việc xây dựng các trạm BTS tại các địa phương ven biển, với phạm vi phủ sóng từ 35 – 50km tính từ đất liền ra biển”.

Tại Quảng Ngãi, dự án phủ sóng biển của VNPT đang trong giai đoạn thi công nước rút. Có 7 trạm BTS với chiều cao cột ăng ten từ 80m trở lên đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị lắp đặt thiết bị. Các trạm BTS này hầu hết đều được xây dựng tại các vị trí xung yếu ở khu vực ven biển của 7 địa phương gồm: Phổ Vinh, Phổ Khánh (Đức Phổ), Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi), Sa Kỳ, Dung Quất (Bình Sơn), Thạch Thang và Đức Chánh (Mộ Đức). Sau khi đi vào hoạt động, các trạm này sẽ góp phần đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân khu vực ven biển Quảng Ngãi, đồng thời nâng vùng phủ sóng mạng Vinaphone ra biển, giúp ngư dân yên tâm liên lạc với đất liền.  

Đồng hành cùng ngư dân bằng cách không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo thông tin liên lạc của ngư dân về đất liền, tại Hội thảo Công nghệ thông tin và truyền thông với biển đảo Việt Nam 2016, MobiFone cũng đã đề ra giải pháp sử dụng công nghệ HF tích hợp vào mạng PSTN và thông qua các trạm BTS ven biển để thu, phát sóng đến các tàu và thông qua đó, có thể gọi điện, nhắn tin, định vị, dẫn đường  cho ngư dân trong các trường hợp cần thiết. Dự kiến, giải pháp này sẽ được MobiFone tích hợp thiết bị trong tháng 10 năm nay, sau đó sẽ đưa vào thử nghiệm 10 – 50 trạm BTS ven biển vào tháng 11.2016 và sẽ triển khai rộng rãi trong năm 2017.

 Bên cạnh việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng để mở rộng phủ sóng di động ra biển, các đơn vị viễn thông còn cung cấp các dịch vụ tiện ích dành riêng cho người dân sống ở khu vực ven biển và ngư dân làm việc ngoài khơi xa. Như gói cước “Biển đảo” của VinaPhone dành riêng cho thuê bao trả trước hòa mạng mới tại 27 tỉnh ven biển.

Khi sử dụng gói cước biển đảo, ngư dân sẽ được cung cấp các gói thông tin miễn phí như thời tiết biển (dự báo thời tiết biển trong ngày), Biển đảo Việt Nam (thông tin về tình hình an ninh, trật tự Biển Đông và các tỉnh ven biển; cung cấp thêm tính năng cộng đồng khi ngư dân được hưởng mức cước ưu đãi bằng việc đăng ký gọi theo nhóm)...

Cũng hướng đến ngư dân đang miệt mài bám biển, Viettel cũng tung ra gói cước Sea+ với những tính năng đặc biệt là có thể đăng ký nhận tin thời tiết biển hằng ngày, tra cứu mã vùng biển. Khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra, khách hàng chỉ cần nhắn tin đến đầu số 1111, hệ thống sẽ tự động chuyển tin nhắn khẩn đến danh sách các số điện thoại mà khách hàng đã đăng ký.

 
Ngư dân Bùi Văn Thành, ở xã Bình Đông (Bình Sơn) mong mỏi: “Ngoài các thiết bị liên lạc như icom chỉ dành cho các trường hợp khẩn cấp, sóng di động là phương tiện chủ yếu để tôi nhắn tin, điện thoại hỏi thăm tình hình của gia đình ở đất liền. Vì vậy, chúng tôi rất mong các nhà mạng sẽ có nhiều ưu đãi hơn nữa về giá cước dành riêng cho ngư dân. Như nghề câu mực khơi của chúng tôi phải lênh đênh trên biển gần 3 tháng trời, nên chi phí điện thoại, nhắn tin về đất liền cũng khá tốn kém, vì giá cước vẫn còn ở mức cao”.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 

.