Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi: Hiệu quả "kép"

02:10, 01/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào chăn nuôi không những giúp người chăn nuôi giảm chi phí đầu tư, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, mà còn góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước do chất thải trong chăn nuôi gây ra...

TIN LIÊN QUAN

Lợi kép

Một trong những ứng dụng của KHCN trong chăn nuôi hiện nay là chăn nuôi trên nền chuồng bằng đệm lót vi sinh. Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN  (Sở KH&CN) đã thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi sạch này để người dân học hỏi kinh nghiệm và áp dụng. Mô hình được triển khai tại Trại Nghiên cứu, thực nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) với 3 vụ nuôi, mỗi vụ 30 con.

Mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học tại trại thực nghiệm ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành).                                                                                                                                            Ảnh: Sở KH&CN cung cấp.
Mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học tại trại thực nghiệm ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành). Ảnh: Sở KH&CN cung cấp.


Theo ông Nguyễn Văn Diệp, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm, qua 3 vụ nuôi, đệm lót vi sinh vẫn phát huy tốt hiệu quả sử dụng. Sau mỗi vụ nuôi, chỉ cần xới tung đệm lót để cho tơi xốp, sau đó bổ sung thêm dịch chế phẩm lên men. Nếu đệm lót vi sinh bị sụt giảm thì bổ sung thêm mùn cưa. Thời gian sử dụng đệm lót vi sinh duy trì từ 2-3 năm, nếu bảo dưỡng tốt có thể sử dụng đến 4 năm.

Hiệu quả mang lại là tăng sức đề kháng cho heo, giảm được một số bệnh thông thường, đặc biệt là bệnh tiêu chảy ở heo con. Tốc độ tăng trọng bình quân hằng ngày đạt 0,65 - 0,75kg/con/ngày. Về môi trường, chất thải của heo được phân hủy hoàn toàn ngay trong chuồng nuôi dưới tác dụng của nền chuồng bằng đệm lót vi sinh, môi trường chuồng nuôi trong lành, không có mùi hôi thối, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khu vực nuôi; đồng thời tiết kiệm các khoản chi phí như không phải tắm cho vật nuôi, dội rửa chuồng trại, tiết kiệm nước và không tốn nhiều công lao động.

Hướng đi tất yếu

Tiếp theo thành công trên heo, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN tiếp tục ứng dụng mô hình này trong nuôi gà. Kết quả sau 4 tháng nuôi, gà sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh, tăng trọng nhanh, đạt trọng lượng trung bình từ 1,6-2,2kg. Ngoài ra, xung quanh chuồng nuôi không có mùi hôi. "Việc ứng dụng KHCN trong chăn nuôi là hướng đi tất yếu. Bởi nó giúp người chăn nuôi mang lại nhiều hiệu quả.

Heo được nuôi trong môi trường trong lành nên ít bị mắc bệnh, tăng trọng nhanh. Cùng với đó là không gây ô nhiễm môi trường, vì các chất thải từ chăn nuôi không thải ra môi trường, không có mùi hôi, hạn chế ruồi, muỗi. Đặc biệt, cách chăn nuôi này tạo ra sản phẩm thịt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có màu, mùi vị gần với chăn nuôi hữu cơ. Sau một thời gian sử dụng, đệm lót vi sinh được đưa ra và sử dụng bón cho các cây trồng như phân hữu cơ vi sinh rất tốt, nhờ có hàm lượng dinh dưỡng cao và quần thể vi sinh vật có lợi", ông  Nguyễn Văn Diệp khẳng định.

Mặt khác, chi phí làm đệm lót vi sinh có giá thành thấp, nguyên vật liệu chủ yếu là trấu và mùn cưa nên người dân dễ tìm, kỹ thuật làm đệm lót vi sinh đơn giản, người dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng được, phù hợp ở quy mô nông hộ và trang trại. Một ưu điểm nữa là khi người dân tham gia mô hình nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học sẽ được hỗ trợ kinh phí làm chuồng đệm lót với số tiền 180 nghìn đồng/m2 nền chuồng.

 Mới đây, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chuyển giao công nghệ nuôi heo trên nền đệm lót sinh học cho các hộ dân trên địa bàn huyện Tư Nghĩa. Nhiều nông dân tham gia tỏ ra rất hào hứng và muốn các cán bộ kỹ thuật chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm để triển khai thực hiện.

Ông Bùi Ngọc Trúc-Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN cho biết, với kết quả tại trại thực nghiệm thì mô hình này có thể áp dụng tại các khu đông dân cư mà không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Sắp tới Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật để người dân học tập, nhân rộng mô hình, tạo điều kiện cho nghề chăn nuôi phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công một số tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.       
 
 

LÊ ĐỨC
 


.