Thử nghiệm 4G: Giá cước có rẻ hơn 3G?

10:09, 18/09/2015
.

Từ cuối tháng 8-2015, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã có công văn hướng dẫn 4 DN cung cấp dịch vụ di động xây dựng phương án thử nghiệm dịch vụ 4G.

Được biết, Viettel cũng đã công bố lộ trình cụ thể cho việc thử nghiệm 4G; VNPT cũng cho biết sẽ triển khai thử nghiệm theo quy định… Song, với khách hàng có lẽ điều họ quan tâm chính là chất lượng và giá thành dữ liệu 4G có tốt hơn, đặc biệt là có rẻ hơn 3G?
 

Từ đầu năm 2015 Bộ TT-TT cho biết, trong năm 2016 sẽ thực hiện cấp phép với dịch vụ này. Về thời điểm triển khai dịch vụ 4G, các chuyên gia từng nhận định đây là thời gian hợp lý để Việt Nam triển khai vì giá thiết bị không còn là vấn đề so giai đoạn đầu với suất đầu tư không lớn. Vì thực tế, việc sản xuất, cung cấp thiết bị không chỉ do các nước khu vực Âu, Mỹ mà còn có sự tham gia mạnh mẽ của một số nước khu vực Châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), dẫn tới giá thành cạnh tranh hơn. Đặc biệt là giá thiết bị đầu cuối cho thị trường không cao, kể cả đã tích hợp 4G… Như vậy, đó là sự thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ di động lắp đặt mạng lưới để cung cấp dịch vụ tới khách hàng. Như đã nói ở trên, điều khách hàng quan tâm hiện nay là chất lượng và giá cước dữ liệu (data) 4G này như thế nào?

Về chất lượng, đặc điểm của công nghệ 4G là có băng thông lớn dẫn đến tốc độ tải tin nhanh hơn và như vậy DN có thể cung cấp trên nền 4G nhiều dịch vụ với chất lượng cao hơn. Từ đó có thể đặt ra câu chuyện, chất lượng tốt hơn, người sử dụng sẽ nhiều hơn và dẫn tới chi phí cho dịch vụ này cao hơn. Song, người tiêu dùng quan tâm đến vấn đề giá cước data cho 4G như thế nào và liệu có rẻ hơn 3G?

Nhận định về vấn đề giá cước 4G, các chuyên gia thuộc các tập đoàn toàn cầu cũng đã từng chia sẻ với giới truyền thông khi cho rằng các nhà mạng sẽ không phân biệt cước 3G và 4G mà tính theo dung lượng. Cụ thể, lãnh đạo Qualcomm Việt Nam cho biết tại nhiều nước trên thế giới, các nhà mạng có thể đưa ra các gói cước 3G và 4G khác nhau dựa theo mô hình kinh doanh của họ, song phần lớn nhà mạng bán dịch vụ data theo dung lượng mà không phân biệt data đó là 3G hay 4G. Vì 4G có tốc độ tải tin nhanh nên lượng tiêu thụ sẽ nhanh hơn và nếu người dùng mua gói cước dung lượng nhỏ - sẽ hết nhanh - phải mua gói cước dung lượng lớn hơn và điều này sẽ đem lại doanh thu lớn hơn cho nhà mạng.

Các chuyên gia khác thì phân tích, hiện có xu hướng các nhà mạng công bố gói giá cước 4G cao hơn nhưng dung lượng lại lớn hơn nhiều và tổng giá 4G cao hơn nhưng giá thành mỗi bit lại rẻ hơn. Vì, nhu cầu sử dụng dữ liệu sẽ ngày càng tăng trong khi đó cái thu hút khách hàng chính là dùng dữ liệu với tốc độ cao hơn nhưng không phải chi tiền quá nhiều và đó chính là bài toán để các nhà mạng phải tính toán về giá thành 4G để kích thích thị trường và cái cuối cùng là để người tiêu dùng chấp nhận được. Trong thông tin gửi các cơ quan truyền thông, Viettel cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm 4G có thu phí từ tháng 10-2015, trong đó khẳng định cước 4G sẽ không cao hơn 3G.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên (nguyên là Trưởng ban 4G của Tập đoàn VNPT), thì về lý thuyết đơn giá 4G sẽ rẻ hơn giá 3G, nhưng trên thực tế hiện giá 3G đang rẻ nên đây là vấn đề khó cho nhà mạng trong cách tính giá 4G. Nguyên nhân là khi cung cấp 3G, do cạnh tranh và muốn kích cầu thị trường, các nhà mạng đã giảm giá cước 3G khá thấp, nên khi triển khai 4G, nhà mạng không thể đẩy giá dịch vụ này xuống thấp hơn 3G được. Do vậy, nhà mạng trong nước đang ở trong thế không thể hạ giá 3G, cũng không thể áp giá cao cho 4G.

Với những thông tin như kể trên để thấy rằng, về cơ bản, giá cước 4G không thể cao hơn 3G và việc đưa ra các gói cước như thế nào có lẽ phải đợi các nhà mạng triển khai dịch vụ mới biết được. Song, với khách hàng đều có mong muốn được sử dụng dịch vụ có chất lượng bảo đảm (như cam kết) với giá thành hợp lý.

 

Theo Hà Nội mới


.