Tìm ra 4 loại khí mới gây thủng tầng ozone

08:03, 10/03/2014
.

Các nhà khoa học đã tìm ra bốn loại khí mới do con người tạo ra có thể gây hại cho tầng ozone bảo vệ Trái đất, bất chấp những lệnh cấm với hầu hết các sản phẩm thải ra những loại khí như thế theo một hiệp ước quốc tế vào năm 1987.

 Ngày 9-3, Hãng tin Reuters dẫn lời một nghiên cứu công bố thông tin này.
 

Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực chụp qua vệ tinh của NASA - Ảnh: nasa.gov
Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực chụp qua vệ tinh của NASA - Ảnh: nasa.gov



Các nhà khoa học đang tìm cách xác định nguồn phát thải chính xác của các loại khí mới này, với phỏng đoán chúng được dùng trong quá trình sản xuất thuốc trừ sâu và các chất tạo đông. Các loại khí mới này được tìm thấy trong băng ở đảo Greenland và trong các mẫu không khí ở Tasmania, Úc.

Tầng ozone che phủ hành tinh giúp Trái đất tránh được những tia cực tím gây ra bệnh ung thư da và đục nhân mắt. Hiệp ước Montreal 1987 do Liên Hiệp Quốc bảo trợ cấm các nước thải ra những chất khí gây hại cho tầng ozone.

“Mức độ tập trung của các loại khí mới chưa phải là một đe dọa cho tầng ozone”, Reuters dẫn lời tác giả chính của nghiên cứu, Johannes Laube thuộc Đại học East Anglia, Anh. Ông Laube nói trong bốn loại khí này thì ba thuộc loại CFC (clorua-florua-carbon) và một thuộc loại HCFC (hydro-clorua-florua-carbon).

Tổng cộng, các nhà khoa học ước tính hơn 74.000 mét khối của bốn loại khí này đã được thải vào bầu khí quyển. Các loại khí này chưa tồn tại trước những năm 1960 trong các lõi băng ở Greenland, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành Nature Geoscience. Lượng khí nói trên chỉ là một phần nhỏ so với hàng triệu tấn khí thuộc loại CFC được thải ra mỗi năm vào thời kỳ đỉnh điểm những năm 1980, theo các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu, đến từ Anh, Đức, Úc, Pháp, Hà Lan và Thụy Sĩ.

Ông Laube nói còn chưa rõ các loại khí mới này có bất hợp pháp theo hiệp ước Montreal hay không. Một lỗ thủng trên tầng ozone từng được phát hiện vào năm 1980 ở khu vực Nam Cực, nhưng các lệnh cấm đã giúp duy trì mục tiêu lỗ thủng này được lấp lại trong 50 năm tới.

 


Theo Hải Minh Tuổi trẻ


.