Phát triển nhiên liệu sinh học và ứng dụng xăng E5 tại Việt Nam: Vì sao cấp thiết?

04:02, 13/02/2014
.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 60 quốc gia đang sử dụng phổ biến các loại xăng sinh học E5, E10, có nước đã sử dụng từ cách đây hơn 40 năm. Họ đều thực hiện các chương trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng nhiên liệu, bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng môi trường.  

Việt Nam không thể thờ ơ

Nhận thức được xu thế thời đại và lợi ích rõ ràng của nhiên liệu sinh học (NLSH), kể từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025” bằng Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg với mục tiêu phát triển NLSH, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Chúng ta đã bước sang năm 2014, nhưng nhiều người dường như mới được tiếp cận các vấn đề về NLSH một cách hết sức mơ hồ, mặc dù từ sau khi có Quyết định 177, Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách, khung khổ pháp lý cho việc sản xuất và kinh doanh NLSH, cụ thể là xăng E5, đồng thời cũng đã công bố lộ trình bắt buộc cho việc đưa E5 vào cuộc sống.

Tuy vậy, cũng cần xác định rằng, các cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút các doanh nghiệp kinh doanh xăng E5 cũng như các thành phần kinh tế khác tham gia sản xuất và kinh doanh NLSH vẫn chưa hoàn chỉnh, đồng bộ; bên cạnh đó, việc tuyên truyền quảng bá về tầm quan trọng của NLSH nói chung và việc phổ biến kiến thức về loại nhiên liệu mới là xăng dầu sinh học nói riêng vẫn còn mờ nhạt, không có bài bản, thiếu đầu tư.
 



Nhà máy Nhiên liệu sinh học bio-ethanol Dung Quất đang vận hành 100% công suất, sẵn sàng phục vụ lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống

Chúng ta đi sau các nước như Brazil, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Thụy Điển, Trung Quốc, Ấn Độ rất xa, cũng tụt hậu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines… mục tiêu đề ra lại rất khiêm tốn: Giai đoạn 2011-2015, Việt Nam sẽ sản xuất 150 nghìn tấn NLSH, đáp ứng 0,1% nhu cầu xăng dầu của thị trường trong nước và đến năm 2025 sẽ sản xuất 1,8 triệu tấn NLSH, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

Nhưng thực tế cho đến nay, sau hơn 5 năm trôi qua kể từ khi đề án được phê duyệt, mặc dù đã có một số nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu được xây dựng xong, bắt đầu đi vào hoạt động và có sản phẩm cung cấp cho thị trường nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của các Nhà máy trên vẫn còn rất hạn chế so với quy mô và công suất đầu tư. Nhu cầu của thị trường với sản phẩm NLSH còn thấp, doanh nghiệp chưa mặn mà, thói quen và tâm lý tiêu dùng của người dân khó thay đổi do đối với xăng dầu sinh học còn e ngại, sợ rủi ro.

Bằng kinh nghiệm phát triển trên thế giới, tác động của việc ứng dụng NLSH đối với phát triển kinh tế xã hội không còn phải bàn cãi. Trong khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá đang dần cạn kiệt, NLSH là nhiên liệu thân thiện với môi trường, có khả năng phân hủy sinh học, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính do độ phát thải khí thải ít hơn nhiều so với xăng truyền thống, đồng thời được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tái tạo được, phát triển NLSH còn sẽ tạo ra nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp, tạo ra thị trường tiêu thụ cho nông sản, góp phần giảm di dân về các đô thị.

Việt Nam buộc phải phát triển sản xuất và sử dụng rộng rãi NLSH, không thể mãi thờ ơ và tụt hậu khi đã xác định chắc chắn rằng chúng ta có điều kiện cần và đủ để giải bài toán đảm bảo nhiên liệu, an ninh năng lượng cho tương lai.

Vấn đề là tạo ra một hiệu ứng toàn xã hội để không chỉ Chính phủ mà các bộ, ngành, các doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc, tạo ra một thị trường thực sự cho NLSH phát triển.

Lộ trình gia tăng áp lực

Có thể nói, chỉ từ khi lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn NLSH với nhiên liệu truyền thống được Chính phủ ban hành tháng 11/2012 thì áp lực mới thực sự được tạo ra. Những mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp phát triển NLSH được Chính phủ quy định từ năm 2007 có vẻ như bị dồn nén quá lâu, nay bắt đầu hiển hiện để các bộ, ngành, địa phương nhận ra là không thể chần chừ, không còn đường lui nữa.

Kể từ ngày 1/12/2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là xăng E5 và từ ngày 1/12/2015 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5. Với xăng E10, lộ trình áp dụng tương tự là 2016 và 2017.

Nhiều người lo ngại rằng, trong tình hình chuẩn bị của các cơ quan liên quan và các địa phương hiện nay, việc thực hiện lộ trình này sẽ vô cùng nan giải vì tựa như bắt buộc một guồng máy cọc cạch, thiếu đồng bộ phải chuyển động nhịp nhàng.

Chính phủ đã đề ra các giải pháp như: Đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, khuyến khích thực hiện chuyển giao công nghệ và tạo lập môi trường đầu tư phát triển sản xuất NLSH; tăng cường đầu tư và đa dạng hoá các nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả các nội dung của đề án; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển NLSH; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển NLSH để cho mọi người hiểu về vai trò quan trọng và hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường to lớn của NLSH trong sự phát triển bền vững...

Nhưng đến nay, ai thực hiện các giải pháp này, thực hiện được đến đâu và hoàn thành những nhiệm vụ nào đã được giao (?)... là câu hỏi khó có câu trả lời thỏa đáng.

Được biết, ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới và trong khu vực khi bắt đầu phát triển NLSH đều có các hình thức khuyến khích thông qua những ưu đãi về thuế, phí và hàng loạt các chính sách hỗ trợ khác từ 5 đến 10 năm. Chỉ có như vậy, giá thành NLSH mới hoàn toàn có thể cạnh tranh được với xăng dầu truyền thống.

Trước hết, để thị trường NLSH Việt Nam có thể phát triển mạnh, lộ trình bắt buộc sử dụng xăng E5 có thể thực hiện được thì Nhà nước cần phải có chính sách ưu đãi rất cụ thể, dài hạn dành cho cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh NLSH mới có thể khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất NLSH; ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm NLSH.

Đặc biệt là những chính sách cho các doanh nghiệp đầu tư như: miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối nhiên liệu trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông; hỗ trợ thuế VAT đối với sản phẩm đầu ra và tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xăng sinh học, nhằm bảo hộ thị trường sản xuất trong nước. Có chính sách phát triển các vùng trồng sắn cho người dân để tăng năng suất mà không cần mở rộng diện tích vẫn đạt hiệu quả cao, đáp ứng đủ nguyên liệu cho đầu vào sản xuất; quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu để sản xuất cồn, dầu, mỡ động, thực vật (mía, sắn, ngô, cây có dầu, mỡ động vật tận thu...) để sản xuất NLSH.

Petrovietnam với vai trò tiên phong

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là doanh nghiệp đầu tàu của nền kinh tế, ngoài những nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính là tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, sản xuất xăng dầu; sản xuất điện khí; sản xuất đạm và dịch vụ kỹ thuật dầu khí... cũng được giao nhiệm vụ đi tiên phong trong việc đưa NLSH đến với người tiêu dùng Việt Nam.

Nhận thức tầm quan trọng của NLSH đối với vấn đề an ninh năng lượng của đất nước, 5 năm qua, với sức mạnh của một tập đoàn kinh tế hàng đầu, Petrovietnam đã chủ động xây dựng chiến lược và kế hoạch mang tính “đi trước, đón đầu”. Việc phát triển NLSH là một trong các mục tiêu nằm trong quy hoạch phát triển ngành Dầu khí và là một hướng phát triển được ưu tiên đặc biệt. Petrovietnam đã thúc đẩy nhanh chóng sự ra đời và phát triển của ngành công nghiệp mới mẻ và đầy triển vọng này, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương triển khai đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất bio-ethanol đặt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, có thể cung cấp ra thị trường mỗi năm 300.000m3 ethanol nhiên liệu, pha được 6 triệu m3 xăng E5, bảo đảm cung cấp đủ cho nhu cầu của cả nước.

Hiện Petrovietnam đang phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi, đi đầu thực hiện thí điểm cung cấp xăng E5 cho thị trường, quyết tâm rút ngắn lộ trình tại địa phương này sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch Chính phủ đặt ra.

Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu xăng dầu với sản lượng rất lớn để phục vụ nhu cầu trong nước, trữ lượng nhiên liệu hóa thạch hặc không lớn hoặc đang ngày càng cạn kiệt, giá nhiên liệu thế giới ngày càng tăng mạnh, do đó việc đầu tư sản xuất, phát triển thị trường, sử dụng rộng rãi NLSH là một chiến lược đúng đắn và cần được hiểu là nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay, không chỉ đối với Nhà nước mà đối với trách nhiệm thực hiện của mỗi người dân.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống bao gồm các mức sau đây:

Hỗn hợp xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol 4-5% theo thể tích và được gọi là xăng E5. Hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol 9-10% theo thể tích và được gọi là xăng E10.

Hỗn hợp các nhiên liệu diesel và nhiên liệu diesel sinh học gốc với hàm lượng este metyl axit béo (FAME) 4-5% theo thể tích và được gọi là diesel B5. Hỗn hợp các nhiên liệu diesel và nhiên liệu diesel sinh học gốc với hàm lượng este metyl axit béo (FAME) 9-10% theo thể tích và được gọi là diesel B10.



Nguyễn Tiến Dũng/Petrotime


.