Hồi sinh loài rêu bị chôn suốt 400 năm

08:05, 30/05/2013
.

Các nhà khoa học Canada thuộc Đại học Alberta vừa hồi sinh thành công loài rêu cổ 400 năm tuổi bị chôn vùi dưới lớp băng đá trong khu vực xung quanh sông băng Teardrop.
 

Các nhà khoa học ĐH Alberta đã hồi sinh thành công loài rêu từ một mẫu vật 400 năm tuổi bị chôn vùi dưới lớp băng ở Bắc cực
Các nhà khoa học ĐH Alberta đã hồi sinh thành công loài rêu từ một mẫu vật 400 năm tuổi bị chôn vùi dưới lớp băng ở Bắc cực



Loài rêu này đã phát triển trở lại trong điều kiện phòng thí nghiệm. Thành công này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phục hồi hệ sinh thái trong thời kỳ “Little Ice Age” (Kỷ băng hà nhỏ), từ năm 1550 đến 1850.

Các nhà khoa học cho biết các sông băng trong khu vực đã rút xuống một cách nhanh chóng kể từ năm 2004, khoảng 3-4m/năm, làm lộ ra vùng đất chưa bao giờ “nhìn thấy” ánh sáng mặt trời. Tại đây, họ đã tìm thấy loài thực vật bị chôn vùi dưới lớp băng dày khoảng 200m.

Rêu khác so với các loài thực vật thông thường, không có mô dẫn truyền giúp bơm dưỡng chất trong thân cây đi khắp cơ thể. Nó có thể sống sót và trở nên hoàn toàn khô trong mùa đông Bắc cực, và phát triển trở lại ở điều kiện khí hậu ấm áp hơn.

"Chúng tôi luôn nghĩ rằng các thực vật chỉ sống ở rìa của hệ thống sông băng chứ chưa bao giờ nghĩ các thực vật trên cạn có thể sống ở bên dưới lớp sông băng" - GS Catherine La Farge, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Ngoài rêu, nhóm nghiên cứu còn phát hiện cả vi khuẩn lam, tảo lục trên cạn. Nhiều loài trong số đó hoàn toàn mới đối với các nhà khoa học.



Theo TRÙNG DƯƠNG/Báo Tuổi trẻ/BBC


.