Lợi ích không ngờ từ những chất độc hại

02:04, 08/04/2012
.

Lâu nay, chúng ta vẫn thường nghĩ rằng nấm mốc, phân động vật, oxit nitric, hydrogen sulfide hay thuốc diệt chuột đều là những chất độc hại hoặc có mùi hôi thối. Tuy nhiên, những thông tin mà các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia (NIH) cung cấp đã cho thấy điều ngược lại.

1. Nấm mốc

Với các nhà khoa học, nấm mốc là loại sinh vật rất quan trọng và hữu ích. Không phải ai cũng biết rằng thuốc kháng sinh penicillin - một trong những thành tựu vĩ đại của nền y học nhân loại - có nguồn gốc từ một loại nấm mốc gọi là Penicillium.

Năm 1928, Alexander Fleming đã phát hiện ra khả năng diệt khuẩn của nó khi tình cờ quan sát một chiếc đĩa bẩn dùng trong thí nghiệm. Ông nhận thấy vi khuẩn phát triển nhiều trong đĩa, nhưng không hề tồn tại ở khu vực có mảng meo lạ mà sau này được xác định là Penicillium.

Hiện nay, Neurospora crassa – một loại nấm mốc trên bánh mì – cũng đang giúp nhóm nghiên cứu trả lời câu hỏi về cách mà chúng xuất hiện và thích nghi cũng như làm thế nào các tế bào và mô có thể thay đổi hình dáng của chúng trong những điều kiện môi trường khác nhau.

2. Chất diệt chuột

Warfarin là thuốc có nguồn gốc từ một loại chất trên cỏ ba lá ngọt bị thối, là tác nhân gây chảy máu cho đến chết ở gia súc được phát hiện vào những năm 1920. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tạo ra loại hóa chất chống đông máu tự nhiên, lần đầu tiên được bán trên thị trường với tư cách là chất độc diệt chuột.

Có 2 triệu người Mỹ dùng warfarin mỗi năm để ngăn ngừa bệnh đông máu nguy hiểm có thể dẫn đến những cơn đau tim, đột quỵ hoặc thậm chí tử vong.

Tuy nhiên, để sử dụng đúng liều lượng đối với từng trường hợp cụ thể thì không phải là điều dễ dàng. Vì lý do đó, đặc điểm di truyền trong mỗi cá nhân có ảnh hưởng thế nào đến phản ứng của thuốc vẫn là vấn đề trọng tâm trong nghiên cứu cơ bản và lâm sàng hiện nay.
 

 

3. Oxit nitric

Oxit nitric là một chất gây ô nhiễm độc hại do khí thải từ xe cộ, động cơ gây ra, nhưng nó cũng là yếu tố then chốt cho sức khỏe tim mạch, chức năng não và hệ thống miễn dịch của chúng ta. Oxit nitric giúp giãn động mạch, kích hoạt tế bào thần kinh và làm tăng số lượng tế bào máu trắng để tiêu diệt các vi khuẩn và ký sinh trùng xâm nhập.

Sống ở độ cao trên 4000 mét so với mặt biển, trong điều kiện không khí thiếu oxy, lượng oxit nitric đo được trong máu người Tây Tạng lớn hơn những người sống ở khu vực ngang mực nước biển. Các nhà khoa học tin rằng điều này làm tăng lưu lượng máu, đảm bảo lượng oxy đầy đủ tới các mô trong cơ thể người Tây Tạng. Việc phát hiện ra vai trò của oxit nitric, đặc biệt là với hệ thống tim mạch, đã nhận được giải thưởng Nobel vào năm 1998.

4. Hydrogen Sulfide

Nhắc đến khí hydrogen sulfide là người ta thường liên tưởng tới mùi thối của các chất thải. Tuy nhiên, một số tế bào trong cơ thể chúng ta cũng sản xuất ra một lượng nhỏ khí này. Các nghiên cứu khoa học cho thấy trong một số trường hợp, khí hôi thối giúp các tế bào làm chậm lại hoặc thậm chí dừng quá trình sản xuất protein. Bởi vì hydrogen sulfide giúp kích hoạt một chuỗi phản ứng thích hợp, nó đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu và ngăn chặn các căn bệnh liên quan đến dư thừa tế bào có hại như bệnh Alzheimer và Parkinson.

5. Phân

Ruột được biết đến là nơi trú ngụ của rất nhiều vi khuẩn. Gần đây, các nhà khoa học NIH đã sử dụng một số công cụ di truyền để xác định cơ chế hoạt động của những “cộng đồng” này ở ruột cũng như tại các khu vực khác như mũi, miệng, da và âm đạo.

Ngoài ra, trong một nghiên cứu xem xét vai trò của vi sinh vật trong ruột đối với bệnh béo phì, nhóm chuyên gia đã thu thập mẫu phân từ các cặp sinh đôi là nữ và cả hai hoặc đều béo hoặc đều gầy, giống những bà mẹ của họ. Điều này góp phần cung cấp thông tin về việc vi khuẩn ảnh hưởng đến chức năng sinh lý trong cơ thể chúng ta như thế nào cũng như cách làm gia tăng lợi ích của chúng cho con người

 


Theo Livescience/ĐVO

 


.