Máy gia tốc hạt nhân đạt kỷ lục phá vỡ mức năng lượng

08:12, 01/12/2009
.

Các nhà khoa học cho hay Máy gia tốc hạt nhân (LHC) - thiết bị phá vỡ nguyên tử lớn nhất thế giới, đã lập kỷ lục với việc tăng tốc các proton lên mức năng lượng cao nhất chưa từng đạt được trước đây.
 
Các nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) vừa loan báo thiết bị phá vỡ nguyên tử đã phóng ra một chùm quang hạt ở mức 1,18 nghìn tỉ volt điện tử.
 
 

Thành công mới nhất này, đạt được sáng sớm hôm qua, là một phần của công tác chuẩn bị để đạt được các mức độ năng lượng thậm chí còn cao hơn cho những thí nghiệm quan trọng vào năm tới về sự hình thành của vật chất và vũ trụ.

Tổng giám đốc CERN, Rolf Heuer hôm qua mô tả những tiến bộ ban đầu của thí nghiệm LHC là “vô cùng to lớn”. “Tuy nhiên, chúng ta đang tiếp tục tiến từng bước, và vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi chúng ta bắt đầu thí nghiệm vật lý vào năm 2010”, ông nói.

LHC trị giá 10 tỉ USD này hoạt động lần đầu tiên vào tháng 9 năm ngoái. Nhưng 9 ngày sau đó, máy đã bị đình chỉ hoạt động vì nghi ngại việc kết nối kém của một trong 10.000 nam châm kết nối của máy gia tốc đã dẫn đến một hư hại nặng.

Các hoạt động khởi động đã được nối lại hôm 20/11 với một luồng proton duy nhất trong một đường hầm có chu vi 27km, cắt qua biên giới Pháp và Thụy Sĩ. Các nhà khoa học đã bắt đầu lưu chuyển vòng tròn hai tia proton theo chiều ngược nhau hồi tuần trước sau 14 tháng sửa chữa.

Hôm 25/11, CERN vui mừng thông báo LHC đã bất ngờ "sống dậy" và lần đầu tiên, các chùm proton đang di chuyển trong LHC với tốc độ ánh sáng (300.000 km/giây). Với kết quả này, các nhà khoa học của CERN đã thành công trong việc tạo ra những va chạm proton năng lượng thấp mà có thể cuối cùng sẽ cung cấp những đầu mối giải mã vụ nổ Big Bang đầu tiên và nguồn gốc của vũ trụ.

Theo Dân trí


.