Khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN tại Thái Lan: Bàn nhiều vấn đề nóng

07:06, 22/06/2019
.

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã tham dự lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN ở thủ đô Bangkok – Thái Lan ngày 22-6.

TIN LIÊN QUAN

Reuters cho biết Thái Lan là nước chủ tịch luân phiên ASEAN 2019. Tại hội nghị cấp cao lần này, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á dự kiến thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) cho các cuộc đàm phán về biển Đông.

Biểu ngữ đặt tại nơi diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN 2019. Ảnh: Reuters
Biểu ngữ đặt tại nơi diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN 2019. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu cá Philippines gần bãi Cỏ Rong ở biển Đông tối 9-6 có thể được mang ra thảo luận dù khả năng sẽ không có nhiều tiến triển.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cho biết: "Thật đáng khích lệ khi thấy các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC đã tiếp tục. Tuy nhiên, nguy cơ thực sự là những phát triển trên biển vượt xa tiến trình của COC, vì vậy có thể khiến nó không còn liên quan".

Các tổ chức nhân quyền trước đó kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN cân nhắc hỗ trợ kế hoạch hồi hương người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar nhưng GS Khoa học chính trị tại Trường ĐH Thammasat (Thái Lan) Prapat Thepchatree, nhận định đây là một vấn đề rất nhạy cảm đối với ASEAN.

Ngoài tranh chấp ở biển Đông và người Hồi giáo Rohingya, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa ở đại dương dự kiến cũng nằm trong chương trình nghị sự.

Nhưng trọng tâm của hội nghị sẽ tập trung vào thương mại khi các nhà lãnh đạo ASEAN muốn thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) liên quan đến tất cả 10 nền kinh tế ASEAN, cộng với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Giữa thời điểm Mỹ - Trung "ăn miếng trả miếng" thương mại, ​​một số nhà sản xuất chạy khỏi Trung Quốc để tới những trung tâm kinh tế của ASEAN vốn an toàn hơn. Giới phân tích cho rằng bức tranh tăng trưởng toàn cầu khá ảm đạm.

"Trong bối cảnh đó, RCEP là chìa khóa để tăng cường khối lượng thương mại. Thương mại tự do chắc chắn là những gì chúng ta cần" - phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, Werachon Sukhondhapatipak, nói với các phóng viên.

Úc và New Zealand cũng đưa ra quan ngại về tình trạng thiếu hụt lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường.

Nước chủ nhà Thái Lan đã triển khai khoảng 10.000 nhân viên an ninh xung quanh thủ đô Bangkok để đảm bảo an toàn cho hội nghị.

Theo Phạm Nghĩ/NLĐO


.