Nghi phạm xả súng hàng loạt ở New Zealand ra tòa

02:03, 16/03/2019
.

 Nghi phạm chính trong các vụ xả súng ở New Zealand đã ra tòa hôm 15-3 (giờ địa phương) với tội danh giết người.

Theo đài BBC, Brenton Tarrant, 28 tuổi, người Úc, xuất hiện tại tòa án và bị còng tay. Ngoài tội danh giết người, hắn có thể phải lãnh thêm một số tội danh khác.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết Tarrant sở hữu tới 5 khẩu súng và có giấy phép sử dụng súng. Bà Ardern nói thêm luật sở hữu súng của New Zealand sẽ được thay đổi sau các vụ xả súng đẫm máu khiến ít nhất 49 người thiệt mạng và 48 người bị thương lúc 13 giờ 30 phút ngày 15-3.

Cảnh sát cũng bắt giam hai nghi phạm khác. Hai tên này trước đó không có tiền án hay tiền sự.

Trong khi đó, nghi phạm chính Tarrant sẽ bị giam giữ mà không được quyền biện hộ. Dự kiến hắn phải ra tòa lần hai vào ngày 5-4.

Ảnh: Sky News
Ảnh: Sky News


Nạn nhân đầu tiên trong các vụ xả súng vào hai nhà thờ Hồi giáo Masjid Al Noor (trung tâm TP Christchurch) và Linwood Masjid (ngoại ô TP Christchurch) cùng với bệnh viện TP Christchurch được xác định là ông Daoud Nabi, 71 tuổi. Ông Nabi chuyển đến New Zealand từ Afghanistan vào những năm 1980. Danh tính của những nạn nhân còn lại vẫn chưa được công bố.

Trưởng khoa phẫu thuật bệnh viện TP Christchurch, Greg Robertson, cho biết có 11 người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch, cần chăm sóc đặc biệt.

Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia đều xác nhận công dân nước họ đã thiệt mạng trong các vụ xả súng. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May đã gửi lời chia buồn tới New Zealand.

Hôm 16-3, Thị trưởng TP Christchurch Lianne Dalziel lên án "hành động khủng bố", đồng thời cam kết sát cánh cùng với các nạn nhân. An ninh vẫn được thắt chặt trên toàn TP Christchurch. Tất cả thánh đường Hồi giáo ở New Zealand đều bị đóng cửa.

Theo số liệu thống kê dân số mới nhất, người Hồi giáo chiếm khoảng 1,1% dân số của New Zealand (4,25 triệu người). Con số này tăng mạnh sau khi New Zealand tiếp nhận người tị nạn từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá kể từ những năm 1990.

Vài giờ sau các vụ xả súng, một người sống sót đến từ Ấn Độ kể lại rằng một người đàn ông không rõ danh tính đã xông vào từ phía sau tay súng, giữ hắn cho đến khi súng của nghi phạm rơi xuống. Hành động này giúp thảm kịch không nhuốm thêm máu của những người vô tội.

"Nếu người đàn ông không làm vậy, nhiều người nữa sẽ chết và tôi sẽ không ở đây bây giờ" – ông Faisal Sayed nói.

Theo Phạm Nghĩa/NLĐO

 


.