Nhìn lại thế giới năm 2017

05:12, 31/12/2017
.

 


(Baoquangngai.vn)- Năm 2017 là một năm của những sự đảo chiều, của những thay đổi mang tính lịch sử định hình tương lai của thế giới và sẽ còn được nhắc đến trong nhiều năm tiếp theo. Bức tranh của thế giới năm 2017 dù được đánh giá là buồn nhiều hơn vui, nhưng vẫn có những màu sắc tươi sáng... 
 
Nhiều thay đổi về chính trị
 
Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc được hãng tin Tân Hoa nhận định là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đại hội đã đề ra đường hướng cũng như lộ trình cụ thể cho những quy hoạch chiến lược trong vòng 30 năm tới của Trung Quốc với mục tiêu xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp; đóng góp lớn hơn vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
 
Trong khi đó, vị lãnh đạo mới của Nhà Trắng Donald Trump được coi là nhân vật thu hút được sự quan tâm của công chúng nhất thế giới trong năm 2017. Sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, vị tổng thống thứ 45 của Mỹ đã đưa ra một loạt quyết sách "đảo ngược" những gì người tiền nhiệm Barack Obama từng ấp ủ, như tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định về di trú quốc tế và rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Tổng thống Trump cũng công bố việc xây dựng lại bức tường biên giới Mỹ và Mexico và đưa ra một số động thái với xu hướng bảo hộ thương mại như cố gắng tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). 

 

 Tổng thống Donald Trump
Tổng thống Donald Trump
Trong năm 2017, Trung Đông cũng nổi lên trở thành điểm nóng với một loạt sự kiện như Saudi Arabia và các đồng minh Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất ở vùng Vịnh trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó là tình hình bất ổn tại Syria, cuộc nội chiến Yemen và xung đột giữa Israel - Palestine. 
 
Cuối năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel đồng thời yêu cầu chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố này. Động thái của Mỹ thổi bùng cuộc xung đột lâu năm giữa Israel-Palestine và gây làn sóng phản đối rộng khắp. Các cuộc biểu tình diễn ra trong khu vực và nhiều nước trên thế giới, giao tranh giữa Israel và dải Gaza liên tục diễn ra.
 
Tại Châu Á, tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục tăng nhiệt khi Bình Nhưỡng tiếp tục các vụ thử tên lửa đạn đạo, đặc biệt vụ thử hạt nhân thứ 6 được nhận định là có sức công phá mạnh nhất của quốc gia Đông Bắc Á vào tháng 9/2017. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2375 gia tăng các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên một cách hòa bình, bằng cách phương thức ngoại giao và chính trị. 
 
Năm 2017 cũng là một năm đầy biến động với chính trường Hàn Quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia này có một tổng thống bị quốc hội bãi nhiễm và đưa ra tòa án xét xử. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị người dân và giới chính trị gia chỉ trích mạnh mẽ sau hàng loạt những thông tin cho thấy bà để người bạn thân Choi Soon Sil can thiệp quá sâu vào công việc quản lý đất nước. Hàng loạt các cáo buộc nhắm vào bà Choi với tội danh lạm dụng chức quyền, đe dọa các công ty để thu lợi bất chính.
 
Tại Châu Âu, đáng chú ý là tiếp theo sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử năm 2016, Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, chính thức bắt đầu khởi động quá trình Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu. Tiến trình đàm phán giữa Anh và EU để đi tới các điều khoản tách khỏi liên minh và thiết lập quan hệ trong tương lai giữa hai bên vẫn đang tiếp tục được triển khai. Thời hạn chót cho tiến trình đàm phán là 29.3.2019.
 
Năm 2017 chứng kiến cuộc khủng hoảng khác ở Châu Âu khi Catalonia đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha. Chính quyền Madrid sa thải các lãnh đạo ly khai, giải tán nghị viện đồng thời kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử Nghị viện vùng mới. Nhiều lãnh đạo ly khai lưu vong ở nước ngoài, nhiều người bị bắt giữ. Tuy nhiên, cuộc bầu cử hồi tháng 12 cho thấy thắng lợi tiếp tục thuộc về phe ly khai.

 

Đám đông ăn mừng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Catalonia ngày 1/10 (Ảnh: Reuters)
Đám đông ăn mừng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Catalonia ngày 1/10 (Ảnh: Reuters)
Liên quan đến vấn đề chống khủng bố, việc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng bị đánh bật ra khỏi Iraq sau một loạt chiến dịch kéo dài đến tháng 12/2017 đã đánh dấu thắng lợi của cộng động quốc tế nói chung và Chính phủ Iraq nói riêng trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các cuộc tấn công khủng bố vẫn là mối đe dọa thường trực đối với toàn thế giới.
 
Ở Châu Phi, ông Robert Mugabe, 93 tuổi, bị buộc từ chức Tổng thống Zimbabwe sau 37 năm cầm quyền sau cuộc tiếp quản quân sự kéo dài 6 ngày. Binh biến diễn ra sáng 15.11, vài ngày sau khi người hùng cách mạng giải phóng Zimbabwe sa thải Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa nhằm dọn đường cho vợ nắm quyền lực. Sau nhiều ngày đàm phán và sức ép từ nhiều phía, ông Robert Mugabe chấp thuận từ chức. Binh biến kết thúc với việc ông Emmerson Mnangagwa lên nắm quyền lãnh đạo Zanu-PF và tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Zimbabwe ngày 24.10. 
 
Kinh tế thế giới- một năm đầy biến động 
 
Điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2017 là sự phục hồi của kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 và 2018 lần lượt lên mức 3,6% và 3,7%, cao hơn đáng kể so với mức 3,2 của năm 2016. Khoảng 75% các nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay. Đây là sự tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế toàn cầu trong gần 10 năm qua.
 

 

 

Tuy nhiên, cùng với chiến thắng của Tổng thống Donald Trump, thế giới năm 2017 chứng kiến sự lên ngôi của chủ nghĩa bảo hộ tại hàng loạt các quốc gia. Việc Tổng thống Trump muốn bảo hộ cho lao động Mỹ là điều không có gì mới, nhưng ngay tại các quốc gia khác như Trung Quốc hay Châu Âu, chính phủ cũng tăng cường bảo hộ doanh nghiệp và lao động trước những đe dọa từ yếu tố bên ngoài.

 
Đặc biệt, ngay khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút lui khỏi Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mặc dù vậy, những thành viên còn lại mà dẫn đầu là Nhật Bản vẫn quyết tâm đàm phán đi đến ký kết hiệp định này dù không có Mỹ. Ảnh hưởng từ quyết định rút lui khỏi TPP của Mỹ là khá lớn khi thỏa thuận này chiếm tới 40% GDP thế giới và việc Mỹ rút lui khiến TPP trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà hoạch định chính sách. 
 
Năm 2017 còn là một năm ghi dấu ấn mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu cuộc cách mạng 3.0 là sự kết hợp giữa điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất thì cuộc cách mạng công nghiệp lần này đã kết hợp các công nghệ lại với nhau, từ vật lý, kỹ thuật số cho đến sinh học.
 
Tiêu biểu cho những thành tựu này là việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT) và công nghệ dữ liệu (Big Data). Ngoài ra, hàng loạt những sản phẩm mới như vật liệu mới, máy in 3D, xe tự lái, công nghệ sinh học mới, hệ thống tự động hóa cao hơn… được phát triển và đưa vào ứng dụng, qua đó thay đổi chuỗi sản xuất và cung ứng trên thị trường.
 
Dẫu vậy, sự phát triển của công nghệ cũng đem lại rất nhiều hệ lụy, tiêu biểu trong đó là rủi ro mất việc làm đối với các lao động kỹ thuật thấp, một trong những nguy cơ lớn với các nền kinh tế đang phát triển phụ thuộc vào sản xuất hàng giá rẻ.
 
Đi cùng với sự phát triển của công nghệ, ngành thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ cũng bùng nổ theo, kéo theo nhiều hệ lụy liên quan. Trong khi chuỗi bán lẻ Walmart chật vật với nhiều khó khăn thì hãng thương mại điện tử Amazon lại tăng trưởng mạnh mẽ. Số liệu của Adobe Analytics cho thấy doanh số bán hàng trong ngày Black Friday của Amazon đã tăng gần 17% so với năm trước, trong khi cổ phiếu của hãng này tăng gần 60% từ đầu năm đến nay. Ngân hàng Goldman Sachs thậm chí dự báo cổ phiếu của hãng này sẽ còn tăng mạnh trong năm 2018.
 
Một trong những tác động nữa của công nghệ đến thị trường là Blockchain và tiền ảo. Nổi tiếng trong số đó là cơn tăng giá chóng mặt của đồng Bitcoin. Giá đồng Bitcoin đã tăng hơn 2.000% trong năm qua tại một số sàn giao dịch và chạm ngưỡng kỷ lục 17.000 USD vào phiên 15/12. Việc đồng Bitcoin được một số thị trường kỳ hạn đưa vào giao dịch đã kích thích các nhà đầu cơ đổ tiền mạnh hơn trong thời gian này. Không riêng Bitcoin, một số đồng tiền khác như Litecoin hay Ethereum cũng tăng giá mạnh.

 

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc có nên sử dụng tiền ảo hay không cũng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi, trong khi nhiều nước cấm giao dịch bằng tiền ảo thì một số nước lại không có ý kiến hoặc im lặng chờ xem tình hình trước khi có những quyết định chính thức.
 
Năm 2017- năm của thiên tai dồn dập
 
Chỉ trong vòng 4 tuần (từ 25-8 đến 20-9), 3 siêu bão Harvey, Irma, Maria tàn phá 2 bang Texas, Florida và lãnh thổ Puerto Rico (đều của Mỹ) và nhiều hòn đảo Caribbean. Thiên tai dồn dập khiến hàng trăm người thiệt mạng trong lúc thiệt hại kinh tế ước tính lên đến vài trăm tỉ USD.

 

Hình ảnh cho thấy sức tàn phá kinh hoàng của siêu bão Harvey.
Hình ảnh cho thấy sức tàn phá kinh hoàng của siêu bão Harvey.

 

Kinh hoàng hơn là các trận lở đất ở thủ đô Freetown – Sierra Leone hôm 14-8, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng. 

Trong khi đó cuộc chiến chống biến đổi khí hậu gặp thêm thách thức sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, nhường sự lãnh đạo lại cho phần còn lại của thế giới. Dù vậy, sự rút lui của Mỹ không làm các nước khác chùn bước. 
 
Tại một hội nghị ở TP Bonn – Đức hồi tháng 11 qua, các nước tham gia cam kết tiếp tục thực hiện thỏa thuận. Riêng Trung Quốc trong tháng 12 công bố một kế hoạch cắt giảm khí thải đầy tham vọng.
 
Giới khoa học hiện chưa đạt sự đồng thuận về việc liệu biến đổi khí hậu có khiến các cơn bão trở nên mạnh hơn hay không, trong đó có một loạt cơn bão tàn phá Mỹ và các nước vùng Caribbean năm nay. Dù vậy, sự xuất hiện dồn dập của các cơn bão mạnh dẫn đến lời kêu gọi ưu tiên giải quyết vấn đề khí thải. 
 
Ngoài ra, cơ quan thời tiết và khí tượng Liên Hiệp Quốc cho biết 2017 đang trên đường trở thành 1 trong 3 năm nóng nhất từng được ghi nhận.
 
Q.Nhi

.