Anh công bố chính sách dành cho hơn 3 triệu công dân châu Âu

08:06, 27/06/2017
.

Thủ tướng Anh Theresa May vừa công bố kế hoạch chi tiết về việc giải quyết quyền lợi cho hơn 3 triệu công dân châu Âu hiện đang sống tại Anh.



Trong bài diễn văn đọc trước Hạ viện Anh chiều 26/6, nữ Thủ tướng nước này là bà Theresa May đã lần đầu tiên công bố bản kế hoạch chi tiết về việc giải quyết quyền lợi và số phận cho hơn 3 triệu công dân các nước thuộc Liên minh châu Âu đang sinh sống và làm việc tại Anh.

 

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters


Theo bản kế hoạch này, mọi công dân châu Âu đã sinh sống tại Anh từ 5 năm trở lên sẽ được hưởng quy chế “cư trú thường xuyên” và được giữ lại mọi quyền lợi hiện tại liên quan đến bảo hiểm y tế, chế độ hưu trí cũng như an sinh xã hội.

Với những người sinh sống tại Anh dưới 5 năm thì những cá nhân này được quyền tiếp tục ở lại Anh cho đến khi đủ thời hạn 5 năm và khi đó sẽ được phép đệ đơn xin thẻ cư trú thường xuyên.

Nhưng, ngay cả khi đã được hưởng quy chế “cư trú thường xuyên”, bất cứ cá nhân nào cũng sẽ bị tước quy chế này nếu vắng mặt không sinh sống tại nước Anh quá 2 năm.

Phát biểu khi công bố các chính sách này, nữ Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định nước Anh “muốn những công dân châu Âu này ở lại”, đồng thời hứa hẹn “sẽ không có một gia đình nào phải chia ly” và thủ tục sẽ đơn giản nhất có thể.

Tuy nhiên, các chính sách và hứa hẹn này từ phía Anh chưa hoàn toàn trấn an được các lãnh đạo châu Âu. Phát biểu hôm thứ Sáu tuần trước tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu, thời điểm mà bà May đưa ra các đề nghị chính trong bản kế hoạch này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố các đề nghị của phía Anh là “thấp hơn sự chờ đợi của châu Âu”.

Những lo ngại chính từ phía châu Âu đến từ hai điểm chính. Thứ nhất, là về mặt thủ tục. Phía Anh vẫn chưa cho biết họ sẽ ấn định ngày tháng năm nào để được coi là điểm mốc chính thức bắt đầu tính thời hạn cư trú.

Mốc thời gian đó được cho là nằm giữa ngày 29/3/2017, thời điểm Anh tuyên bố khởi động Brexit và 29/3/2019, thời điểm mà các đàm phán Brexit dự định sẽ hoàn tất. Các nước châu Âu muốn lùi mốc thời gian tính này càng muộn càng tốt nhưng phía Anh vẫn chưa đưa ra câu trả lời.

Tuy nhiên, bất đồng lớn nhất giữa Liên minh châu Âu và nước Anh là ở việc sẽ giải quyết các tranh chấp pháp lý của hơn 3 triệu công dân châu Âu sinh sống tại Anh ra sao.

Phía châu Âu đòi hỏi thẩm quyền phán xử phải thuộc về Toà công lý châu Âu nhưng phía Anh luôn khẳng định việc đó phải thuộc thẩm quyền của nền tư pháp nước Anh. Một khả năng được đặt ra là hai bên sẽ phải thành lập một Cơ quan xét xử liên quốc gia để giải quyết vấn đề này.

Nhận xét về bản kế hoạch chi tiết mà chính phủ Anh đưa ra, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker tuyên bố “đây là bước đi đầu tiên nhưng chưa đủ”.

Trong nội bộ nước Anh, thủ lĩnh Công đảng đối lập là Jeremy Corbyn cũng công kích nữ Thủ tướng May khi cho rằng “đây không phải là một đề nghị rộng lượng mà là sự khẳng định rằng chính phủ Anh hiện tại sẵn sàng sử dụng các công dân như phương tiện trao đổi trong các cuộc đàm phán”.

Nhiều nhà phân tích cũng nhận định, bản kế hoạch chi tiết mà chính phủ Anh đưa ra vẫn còn rất nhiều điểm mù mờ, như về thủ tục xin thẻ cư trú thường xuyên, cách thức giải quyết hồ sơ cũng như cách thức giải quyết tranh chấp.

Đây có thể được xem là chủ ý từ phía chính phủ của bà May nhằm giữ một con bài chủ động trong các đàm phán với Liên minh châu Âu về Brexit do phía Liên minh châu Âu luôn coi chủ đề về quyền lợi của hơn 3 triệu công dân châu Âu đang sinh sống tại Anh là ưu tiên quan trọng bậc nhất trong đàm phán.

Tiến trình giải quyết số phận và quyền lợi cho các công dân châu Âu tại Anh có thuận lợi hay không sẽ phụ thuộc lớn vào thái độ của các nhà lãnh đạo châu Âu.

 

Theo Quang Dũng/VOV.VN

 


.