Việc Anh rời EU: Những hệ quả khôn lường

02:06, 25/06/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân tại Anh đã chính thức ngã ngũ, với việc phe ủng hộ rời Liên minh châu Âu EU (hay còn gọi Brexit) giành chiến thắng. Giới chuyên gia dự báo “cuộc hôn nhân” đứt gánh này sẽ kéo theo nhiều tác động tiêu cực.
 
Các chính trị gia Châu Âu thể hiện cảm giác sốc và bàng hoàng trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý của nước Anh. Bởi lẽ, việc Anh rời đi sẽ đặt ra những nguy cơ lớn, thậm chí là nguy cơ về một cuộc khủng hoảng sống còn. Hiện nay, các phong trào dân tuý và chống người nhập cư đã lan rộng ở Châu Âu, dẫn tới những chia rẽ lớn trong nội bộ khối cũng như trong nội bộ mỗi quốc gia thành viên. 

 

Người Anh đã chọn “phương án” rời khỏi Liên minh Châu Âu.
Người Anh đã chọn “phương án” rời khỏi Liên minh Châu Âu.

 

Đối với nước Anh, rời EU đồng nghĩa với nước này mất quyền tiếp cận thị trường không có hàng rào nội khối của EU, và Anh sẽ phải tìm kiếm các thoả thuận thương mại mới. Ước tính, Brexit sẽ khiến Anh mất đi một thị trường ổn định 500 triệu dân ở các nước EU, dẫn tới thiệt hại 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020, bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện có điểm đến là các nước EU, đóng góp từ 4-5% GDP. 

Ngoài ra, ngành ngân hàng, vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh, cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Anh không còn là thành viên của EU. Giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng các ngân hàng quốc tế lớn như Bank of America, Morgan Stanley hay Citigroup sẽ chuyển sang một nước EU khác để trực tiếp kết nối với thị trường rộng lớn chứ không còn mặn mà với Anh như trước.
 
Cú sốc từ nước Anh đến với EU giữa lúc khối này vẫn chật vật với những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính, cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có tiền lệ, và sự nổi lên của nước Nga. Với sự ra đi của nước Anh, EU sẽ mất khoảng 1/6 tổng sản lượng kinh tế của khối.
 
Không chỉ làm suy yếu nền kinh tế, sự kiện này còn có thể kéo theo nguy cơ khiến xã hội Anh trở nên bất ổn. Hơn 2,2 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc lại các nước khác trong EU, có thể lâm vào cảnh thất nghiệp, đồng thời bị cắt đứt mọi quyền lợi tiếp cận ưu đãi trong xã hội. 
 
Theo quy định đi lại tự do trong liên minh Châu Âu, các quốc gia thành viên EU không thể trục xuất công dân của các nước cùng khối. Khi Anh rời khối, những công dân Anh đang sinh sống ở các nước EU chỉ sau một đêm bỗng trở thành những người nhập cư bất hợp pháp. Trong trường hợp đó, số phận và quyền lợi của những công dân này sẽ trở thành một vấn đề chính trị hết sức phức tạp và chưa có lời giải.
 
Việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu cũng có thể khiến các nước thành viên khác ở Đông Âu có động thái tương tự. Theo Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom, Anh rời EU sẽ góp thêm động lực cho các quốc gia khác đang có muốn rời khỏi khối này. 
 
Đặc biệt, tương lai của nước Anh cũng đang đối mặt nguy cơ, khi xứ Wales hay Scotland, vốn là khu vực có tỷ lệ ủng hộ EU rất cao, sẽ tiến hành trưng cầu ý dân để tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh. Ngày 18/9/2014, các cử tri Scotland đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc trở thành quốc gia độc lập. Vào thời điểm đó, khoảng 54% người dân bỏ phiếu chống. Tuy nhiên tới nay, những lời kêu gọi tách khỏi nước Anh ngày một dâng cao ở Scotland và khả năng tiến hành thêm cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
 
Một viễn cảnh tồi tệ hơn nữa đó là các nước như Đức, Pháp, Tây Ban Nha... cũng có khả năng tách khỏi EU sau khi phe ủng hộ rời EU tại Anh giành chiến thắng, từ đó đẩy liên minh này đứng trước nguy cơ tan rã.
 
 
Quỳnh Nhi
 
 

.