WHO báo động ô nhiễm không khí tại các đô thị trên toàn cầu

03:05, 13/05/2016
.

Hơn 80% dân số sống tại những đô thị tham gia chương trình đo mức độ ô nhiễm không khí đang phải hít thở không khí có chất lượng không đạt chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
 
Trong giai đoạn 5 năm 2008-2013, mức độ ô nhiệm không khí ở các khu vực đô thị trên toàn cầu tăng trung bình 8% - Ảnh: Ô nhiễm môi trường là vấn đề nổi cộm của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Hệ quả là 98% người dân tại những thành phố có thu nhập thấp có nguy cơ cao mắc các chứng bệnh về hô hấp cũng như nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài khác. Trong khi đó, tỉ lệ này tại các quốc gia có thu nhập cao đã giảm xuống mức 56%. Đây là kết luận trong báo cáo mới nhất của WHO về cơ sở dữ liệu thống kê mức độ ô nhiễm không khí tại các đô thị trên toàn thế giới.
 

 

Ông Flavia Bustreo, Trợ lý Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực sức khỏe gia đình, phụ nữ và trẻ em của WHO, cho biết khi không khí ô nhiễm bao trùm các thành phố, trẻ em, người già và người nghèo là những người bị tác động nhiều nhất. Tuy nhiên, thông tin tích cực là ngày càng nhiều thành phố đẩy mạnh việc giám sát chất lượng không khí để bảo đảm các tiêu chuẩn do WHO đề ra.
 
Trong 2 năm qua, cơ sở dữ liệu nói trên của WHO - thống kê 3.000 thành phố ở 103 quốc gia - đã mở rộng gần gấp đôi, với việc có thêm nhiều thành phố tiến hành đo mức độ ô nhiễm không khí và công nhận những tác hại của không khí bẩn đối với sức khỏe của con người. Do chất lượng không khí ở đô thị giảm sút, nguy cơ bị đột quỵ, mắc bệnh tim mạch, ung thư phổi, các chứng bệnh hô hấp kinh niên, trong đó có bệnh hen suyễn, ngày càng tăng đối với những người dân phải hít khí bẩn.
 
Trong giai đoạn 5 năm 2008-2013, mức độ ô nhiệm không khí ở các khu vực đô thị trên toàn cầu đã tăng trung bình 8%. Nhìn chung, tại các quốc gia thu nhập cao, mức độ ô nhiễm không khí thấp, trong đó các mức thấp nhất phổ biến ở châu Âu, Mỹ và khu vực Tây Thái Bình Dương. Mức độ ô nhiễm không khí cao nhất được ghi nhận tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở Đông Nam Á và phía Đông Địa Trung Hải, với việc mức độ ô nhiễm hằng năm thường xuyên cao gấp 5-10 lần so với ngưỡng mà WHO đề ra.
 
Để làm trong sạch bầu khí quyển, WHO khuyến cáo cần phải giảm bớt lượng khí thải công nghiệp, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, ưu tiên xây dựng các hệ thống giao thông công cộng, đi xe đạp hoặc đi bộ... Theo WHO, chỉ cần giảm mức độ ô nhiễm khí bẩn từ 70-20 microgam trên một mét khối không khí, thì số ca tử vong liên quan đến không khí bẩn có thể được giảm khoảng 15%./.
 
Huyền Anh/Chinhphu.vn

.