85 người giàu nắm giữ 50% tài sản thế giới

09:10, 05/10/2015
.

Theo Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới (WB)- ông Jim Yong Kim, hiện nay 85 người giàu nhất đang nắm 50% tài sản của thế giới. Đây là sự bất bình đẳng cần được phá bỏ.

Chia sẻ về sự bất bình đẳng về giữa người giàu và nghèo trong một bài phát biểu của mình, ông Jim Yong Kim - Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Chính phủ các nước cần quan tâm giải quyết vấn đề bất bình đẳng về tài sản đang ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, tập trung nâng cao mức sống cho nhóm 40% dân số sống dưới mức nghèo khổ, tại các nước đang phát triển.

Theo thông tin được Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới đưa ra, hiện nay có 85 người giàu nhất đang nắm 50% tài sản của thế giới.
 

 Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới (WB)- ông Jim Yong Kim
Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới (WB)- ông Jim Yong Kim


Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng tài sản đang hiện hữu hiện nay, ông Kim cho rằng, các nước cần thực hiện chính sách và hành động can thiệp mềm dẻo, linh hoạt. Theo đó, một nước nghèo có thể cần tập trung tăng năng suất trong nông nghiệp. Một nước thu nhập trung bình có thể quan tâm tới phát triển đô thị. Còn nếu đa số trẻ em chưa đi học phố thông cơ sở thì phải đặt giáo dục cơ sở lên ưu tiên hàng đầu, và tiếp sau đó là giáo dục trung học.

 “Phát triển kinh tế, đầu tư vào con người, thiết lập mạng lưới an toàn để giảm rủi ro nghèo khổ là việc cần làm để tạo nên sự bình đẳng trong tài sản”, ông Kim nhấn mạnh.

Trong 3 yếu tố trên, ông Kim cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế cùng với tăng lương và tạo việc làm là yếu tố quan trọng nhất, giúp xoá nghèo và tăng cường sự bình đẳng trong tài sản. Mặc dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc như hiện nay, các quốc gia cần phải làm mọi thứ để thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó bao gồm việc ban hành các cải cách như loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả chi công.

Cũng theo ông Kim, một vấn đề quan trọng khác mà các nước đang phát triển cần thực hiện là xây dựng một hệ thống thuế công bằng và minh bạch hơn.

Theo phân tích của ông Kim, hiện nay, người giàu tại quá nhiều nước đã không đóng thuế tương xứng với phần của họ. “Đây cũng là một dạng tham nhũng mà người nghèo phải chịu hậu quả”, ông Kim nhấn mạnh.

Với những lý do trên, Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới kêu gọi Chính phủ các nước, bất kể trình độ hay triển vọng kinh tế của họ như thế nào, tiếp tục đầu tư vào con người và bảo hiểm, trước các rủi ro và các hiểm hoạ do cuộc sống hiện đại mang lại.

“Nhiều người tại các nước, kể cả nước mà ta đang sống, chỉ cần mắc một bệnh hay bị một tai nạn là bị rơi vào cảnh nghèo khó. Vì vậy, nếu chỉ nhắm đến mục tiêu xoá bỏ nghèo đói cùng cực, mà không chú ý đến việc bảo hiểm cho họ không bị nghèo trở lại thì cũng chẳng có ý nghĩa gì”, Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới phân tích.


Yến Nhi/VnMedia


.