Scotland đã nói "Không" ly khai khỏi Vương quốc Anh

03:09, 19/09/2014
.

Scotland đã bỏ phiếu ở lại Vương quốc Anh sau khi hơn 55% cử tri nói “Không” với ly khai trong cuộc trưng cầu dân ý với tỷ lệ đi bỏ phiếu cao nhất trong lịch sử Vương quốc này từ thời hậu chiến.
 

Phần đông cử tri không ủng hộ tách Scotland khỏi Vương quốc Anh.
Phần đông cử tri không ủng hộ tách Scotland khỏi Vương quốc Anh.

 
Công tác kiểm phiếu đã bắt đầu ngay vào đêm qua giờ địa phương ngay sau khi các phòng phiếu đóng cửa lúc 22 giờ. Việc kiểm phiếu được tiến hành thông đêm với 32 khu vực hành chính địa phương của Scotland.

Cho tới nay, trong số 31/32 khu vực bầu cử công bố kết quả, có tới 27 khu vực phản đối độc lập cho Scotland.
 
Chiến dịch nói "Không" dẫn trước chiến dịch nói "Có" với tỷ lệ 55,42% - 44, 58%

1.914.187cử tri đã ủng hộ ở lại Vương quốc Anh, và 1.539.920 cử tri muốn ly khai . Tỷ lệ cử tri đi bầu là 84,48%.

Theo quy định, cần tổng 1.852.828 phiếu để tuyên bố chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý này. Như vậy phe nói "Không" đã có số phiếu ủng hộ vượt con số cần thiết để tuyên bố chiến thắng.

Ngay sau đó, Thủ hiến Scotland Alex Salmond đã thừa nhận thất bại trong chiến dịch vận động ly khai khỏi Vương quốc Anh sau khi 31/32 khu vực bỏ phiếu công bố kết quả.

“Điều quan trọng là cuộc trưng cầu dân ý của chúng ta là một tiến trình có sự đồng thuận và vào thời điểm này phần đa Scotland đã quyết định không trở thành một nước độc lập”, ông phát biểu trước những người ủng hộ ở Edinburgh.

Giới phân tích nhận định kết quả là một "đòn giáng" vào đối với sự nghiệp chính trị của ông Salmond, mặc dù kết quả bỏ phiếu "Có" ly khai khá cao mở ra khả năng Scotland sẽ vẫn còn có thể bỏ phiếu cho tương lai của mình.

Khu vực Dundee có 53.620 cử tri nói "Có" với độc lập, so với 39.880 cử tri nói "Không". West Dunbartonshire cũng nói "Có".
 
Nhưng 7 khu vực hành chính khác đã phản đối "cuộc hôn nhân" kéo dài 307 năm với Anh.
 
Clackmannanshire là khu vực đầu tiên công bố kết quả cuộc bỏ phiếu, với 19.036 cử tri nói "Không" với độc lập và 16.350 cử tri nói "Có". Số cử tri đi bầu tại khu vực này đạt 69%.
Orkney là khu vực thứ 2 công bố kết quả, với 10.004 cử tri nói "Không" và 4.883 cử tri nói "Có".

Cử tri tại các khu vực Western Isles và Shetland cũng bỏ phiếu phản đối độc lập.
 
Tại khu vực Inverclyde, nơi số người phản đối độc lập là 27.329, hơn số người ủng hộ độc lập chỉ 86 phiếu.
 
Theo các số liệu ban đầu, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử của Scotland lần này là cao nhất trong lịch sử.
 
Một cuộc thăm dò được công bố sau khi các phòng phiếu đóng cửa cho thấy phương án độc lập có thể bị đánh bại với tỷ lệ sít sao. Tuy nhiên, các nhà vận động ủng hộ và phản đối độc lập nói rằng còn quá sớm để kết luận điều gì khi công việc kiểm phiếu vẫn đang tiếp tục.
 
Các đám đông đã tập trung trong các bữa tiệc xuyên đêm tại các thành phố Glasgow và Edinburgh, trong khi các nhà hoạt động chờ đợi kết quả một cách lo lắng tại các trung tâm kiểm phiếu.

Rất đông những người ủng hộ độc lập đã tụ tập tại Quảng trường George ở trung tâm thành phố Glasgow để chờ đợi kết quả trưng cầu dây ý.

"Chúng tôi sẽ không về nhà cho tới khi có kết quả cuối cùng", Dylan McDonald, 17 tuổi, nói.

Đây cũng là lần đầu tiên các cử tri 16 và 17 tuổi trên khắp Scotland được phép đi bỏ phiếu.

Kết quả cuối cùng về cuộc trưng cầu dân ý dự kiến sẽ được công bố sau 6h30 ngày 19/9 giờ địa phương (12h30 giờ Việt Nam).

Trưởng ban kiểm phiếu, bà Mary Pitcaithly, sẽ chịu trách nhiệm công bố kết quả chính thức tại Edinburgh.
Scotland sáp nhập vào Vương quốc Anh từ năm 1707. Tuy nhiên, suốt 3 thế kỷ qua, xu hướng đòi độc lập vẫn cháy âm ỉ.

Đảng Dân tộc Scotland (SNP), vốn ủng hộ tách khỏi Anh, đã phát động chiến dịch giành độc lập kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011.

Đến tháng 10/2012, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ hiến vùng Scotland Alex Salmond đã ký kết Thỏa thuận Edinburgh cho phép nghị viện Scotland tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho vùng này.




Theo BBC/Dân trí


.