Nga thản nhiên trước cảnh báo đáng sợ từ EU

02:06, 28/06/2014
.

Châu Âu dưới sự hậu thuẫn của Mỹ hôm qua (27/6) đã ra “tối hậu thư”, trong đó cho Nga 72 giờ đồng hồ để có những bước đi cụ thể nhằm làm dịu căng thẳng ở Ukraine,nếu không Nga sẽ phải đối mặt thêm với các biện pháp trừng phạt đau đớn về kinh tế. Đối diện với lời cảnh báo đáng sợ nhất từ Châu Âu này là Nga giữ một thái độ thản nhiên, không hề nao núng.
 
Châu Âu thách thức trực diện Nga
 
Hội đồng Châu Âu ngày hôm qua đã có cuộc họp để bàn về việc áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Sau cuộc họp, Hội đồng Châu Âu đã ra quyết định cho Moscow thêm 3 ngày để tháo ngòi căng thẳng tình hình ở Ukraine, nếu không Nga sẽ phải hứng một loạt đòn trừng phạt mới, tuyên bố của Hội đồng Châu Âu đã cho biết như vậy.
 
Hội đồng Châu Âu cũng đưa ra một loạt điều kiện cho việc làm dịu tình hình căng thẳng ở Ukraine.
 
"Hội đồng Châu Âu mong đợi rằng, đến ngày thứ Hai tới (30/6), những bước đi sau đây sẽ được thực hiện: Thỏa thuận về một cơ chế giám sát do Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) thực hiện để theo dõi, kiểm tra veiecj thực thi lệnh ngừng bắn cũng như việc kiểm soát có hiệu quả khu vực biên giới; trao trả lại cho chính quyền Ukraine 3 chốt chặn an ninh ở khu vực biên giới (Izvarino, Dolzhanskiy, Krasnopartizansk); phóng thích các con tin, trong đó bao gồm tất cả các quan sát viên của OSCE; khởi động các cuộc đàm phán thực sự về việc thực thi kế hoạch hòa bình của Tổng thống Petro Poroshenko", tuyên bố của Hội đồng Châu Âu viết.
 

Hội đồng Châu Âu cho biết, cơ quan này lấy làm tiếc khi lệnh ngừng bắn dù “được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc bởi giới chức cầm quyền Ukraine” nhưng lại không dẫn đến sự chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch về mặt quân sự giữa các bên. Châu Âu kêu gọi các bên “thực tâm cam kết thực hiện kế hoạch hòa bình và ngừng mọi hoạt động quân sự”.
 
Giới lãnh đạo của Liên minh Châu Âu (EU) đã kêu gọi Nga “tích cực sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các nhóm vũ trang bất hợp pháp và ngăn chặn nguồn cung cấp vũ khí, chiến binh qua biên giới để nhanh chóng đạt được những kết quả cụ thể trong mục tiêu làm dịu tình hình”.
 
Hội đồng Châu Âu cho biết, họ đang chuẩn bị sẵn sàng để nhóm họp bất kỳ lúc nào nhằm đưa ra quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine nếu thấy cần thiết.
 
“Hội đồng Châu Âu sẽ đánh giá tình hình và nếu thấy cần thiết sẽ đưa ra những quyết định. Hội đồng Châu Âu nhấn mạnh cam kết sẽ nhóm họp lại vào bất kỳ thời điểm nào để đưa ra những biện pháp trừng phạt có ý nghĩa hơn", tuyên bố của Hội đồng Châu Âu cho hay.
 
Lời cảnh báo mạnh mẽ nhất, đáng sợ nhất của EU nói trên được đưa ra sau khi EU vừa ký thỏa thuận hợp tác về chính trị và thương mại với 3 nước cựu Xô-viết gồm Ukraine, Moldova và Gruzia. Bước đi này giúp EU mở rộng ảnh hưởng của liên minh này ra hướng đông và làm căng thẳng thêm mối quan hệ với Nga.
 
Những sự việc diễn ra liên tiếp trên cho thấy, Liên minh Châu Âu đang thách thức trực diện Nga và điều này khiến cho cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ Đông-Tây trở nên nghiêm trọng hơn..
 
Trước EU, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 26/6 cũng đã lớn tiếng cảnh báo rằng, Nga sẽ phải đối mặt với viễn cảnh hứng chịu thêm nhiều đòn trừng phạt hà khắc hơn nếu không hành động “trong vài giờ tới” để buộc người miền đông Ukraine hạ vũ khí.
 
Nga thản nhiên trước những lời cảnh báo đáng sợ
 
Trước những lời cảnh báo đáng sợ của EU, Nga tỏ ra thản nhiên và không hề nao núng. Giới phân tích tin rằng, sở dĩ Nga có thái độ như vậy là vì Moscow thừa hiểu EU sẽ không dám tung ra những đòn trừng phạt hà khắc nhằm vào Nga.
 
Trong khi các nhà kinh tế học của Nga đồng ý rằng, các biện pháp trừng phạt mới của EU sẽ không phải là một diễn biến tích cực cho Nga nhưng họ cũng đều đồng tình rằng, các đòn trừng phạt đó sẽ chỉ có ảnh hưởng nhỏ và không lâu dài. Hiện tại, theo con số thống kê của cơ quan phụ trách thương mại của Ủy ban Châu Âu, trong năm 2012, 41,9 nhập khẩu của Nga là từ Châu Âu và 52,9 xuất khẩu của Nga là sang Châu Âu.
 
"Sẽ là điều không bao giờ tốt khi đối tác thương mại quan trọng nhất của bạn đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bạn”, ông Roman Andreyeshev, Phó Trưởng khoa Dự án và Quản lý Chương trình về các vấn đề quốc tế ở Học viện Kinh tế và Quản lý công của Tổng thống Nga, cho biết. "Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga là không thể. Nguồn năng lượng của Nga và sự phụ thuộc của EU đang đem lại lợi thế cho Nga", ông Andreyeshev đã nhận định như vậy.
 
Năm 2012, Nga cung cấp ¼ nhu cầu khí đốt của EU. Cùng năm đó, toàn bộ nguồn cung cấp khí đốt cho các quốc gia Baltic và Phần Lan là từ Nga trong khi Đức nhập 37% nhu cầu khí đốt từ các nguồn của Nga, con số thống kê của Eurogas cho biết.
 
Trong tình trạng Châu Âu phụ thuộc nặng nề và nguồn năng lượng của Nga như vậy, ông Andreyeshev cho rằng, các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào ngành năng lượng Nga cuối cùng sẽ là hành động khiến EU tự chuốc họa vào thân.
 
Việc “EU trừng phạt ngành năng lượng của Nga không phải chỉ là một câu hỏi tu từ mà còn là một vấn đề về lô gics. Bạn có thực sự muốn làm đau chính mình vì một vấn đề nguyên tắc”, vị chuyên gia người Nga cho hay.
 
Theo nhà kinh tế Vladimir Mantusov thuộc Học viện Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Nga, EU có thể thiên về việc tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực khác ngành công nghiệp năng lượng. Tuy nhiên, những biện pháp như thế lại chẳng có mấy ảnh hưởng lên Nga.
 
Trước đó, Đại sứ Nga tại EU – ông Vladimir Chizhov cũng tự tin nói rằng, EU không có ý định cũng như ý chí chính trị để mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

 

Theo VnMedia


.