Tình hình Thái Lan diễn biến phức tạp sau đảo chính

02:05, 25/05/2014
.

Một loạt vụ bạo lực nổ ra ngày 24/5 tại khu vực miền Nam Thái Lan khiến 3 người chết và hơn 50 người bị thương.

Tình hình làm dấy lên lo ngại về sự bất ổn của quốc gia Đông Nam Á này sau cuộc đảo chính của quân đội ngày 22/5 vừa qua. Trong khi đó, Quân đội Thái Lan đã tạm giữ các quan chức an ninh Chính phủ và đã thông báo về việc đảo chính cho Nhà vua.

Trong một tuyên bố phát trên tất cả các phương tiện truyền thông ngày 25/5, Phó phát ngôn viên Quân đội Thái Lan Winthai Suvaree cho biết, các quan chức an ninh Chính phủ đã bị buộc phải rời khỏi vị trí công tác và hiện đang bị quân đội tạm giữ. Tất cả những người này vẫn an toàn.  
 

Người biểu tình Thái Lan phản đối việc quân đội đảo chính (Ảnh AFP)
Người biểu tình Thái Lan phản đối việc quân đội đảo chính (Ảnh AFP)



“Về việc thuyên chuyển các nhân viên dân sự, quân sự, cảnh sát, chúng tôi khẳng định rằng mục đích của việc làm này không phải là nhằm làm mất danh dự của họ hoặc bất kỳ cơ quan nào. Đó là việc cần thiết nhằm làm giảm sức ép đối với họ”, ông Winthai nói.

Quân đội Thái Lan cũng đã triệu tập các chính trị gia, học giả và tổng biên tập các tờ báo trong nước nhằm siết chặt quản lý truyền thông cũng như định hướng thông tin sau cuộc đảo chính. Theo một quan chức cấp cao, quân đội Thái Lan sẽ tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế và chính trị trong thời gian sớm nhất nhất có thể để đưa đất nước trở lại ổn định.

Hiện chính quyền quân sự Thái Lan vẫn phải đối mặt với sự phản đối của các nhóm chống đảo chính.

Tại thành phố Chiang Mai, nơi có đông người dân ủng hộ gia đình cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và anh trai bà là ông Thaksin, vào tối 24/5, khoảng 200 người đã xuống đường phản đối cuộc đảo chính do quân đội tiến hành bất chấp lệnh giới nghiêm. Quân đội đã giải tán lực lượng biểu tình và bắt giữ ít nhất 6 người.  

Tình hình miền Nam Thái Lan cũng diễn biến phức tạp sau cuộc đảo chính quân sự vừa qua. Báo Bangkok Post dẫn nguồn tin cảnh sát và quân đội cho biết các vụ tấn công được ghi nhận tại 3 tỉnh có đông người Hồi giáo sinh sống là Pattani, Yala và Narathiwat.

Theo người phát ngôn quân đội khu vực miền Nam, các vụ đánh bom xảy ra tại khu vực tập trung đông người dân mua sắm trước giờ giới nghiêm, làm 3 người chết và 55 người bị thương.

Trong khi đó, tại quận Muang của Pattani, đã xảy ra ít nhất 13 vụ nổ liên tiếp trong tối 24/5. Hiện chưa có thông tin chi tiết về số thương vong cũng như tổ chức đứng đằng sau các vụ nổ trên.

Tuy nhiên, sự nghi ngờ tập trung vào các tay súng Hồi giáo cực đoan, thường tiến hành các cuộc tấn công tương tự ở miền Nam Thái Lan trong hơn một thập kỷ qua nhằm đòi quyền tự trị tại khu vực./.



Ngọc Khương/VOV


.