Vụ máy bay Malaysia Airlines chở 239 người mất tích:
Máy bay mất tích có thể đã bay thêm 4 tiếng đồng hồ

02:03, 13/03/2014
.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 13-3 công bố báo cáo từ các chuyên gia hàng không và an ninh Mỹ cho rằng, nhiều khả năng, máy bay mang số hiệu MH370 đã bay thêm 4 tiếng đồng hồ kể từ khi nó bị mất tín hiệu.

Theo báo cáo trên, chiếc máy bay Boeing 777-200ER đã bay thêm vài trăm km. Nghĩa là, máy bay MH370 đã bay tổng cộng 5 tiếng đồng hồ kể từ khi cất cánh ở Kualar Lumper. Thông tin trên được gửi về mặt đất từ các động cơ, thuộc quy trình giám sát và bảo dưỡng của máy bay.

Tuy nhiên, việc tiếp tục bay trong tình trạng mất tín hiệu khiến các nhà điều tra đặt ra giả thuyết máy bay trên đã bị "cưỡng bức" bay. WSJ cũng đã xác nhận phi công có thể đã tắt thiết bị thu phát tín hiệu nếu muốn.

Đến thời điểm này, các chuyên gia an ninh của Mỹ vẫn chưa đưa ra điểm nghi vấn nào chứng minh được vụ việc có liên quan đến khủng bố. Tuy nhiên, họ cũng không loại bỏ khả năng trên trong nỗ lực điều tra.
 

 Lực lượng hải quân Malaysia tham gia tìm kiếm máy bay mất tích.
Lực lượng hải quân Malaysia tham gia tìm kiếm máy bay mất tích.



* Hãng tin AFP ngày 13-3 đưa tin, các quan chức Mỹ khẳng định, vệ tinh nước này không phát hiện được bất dấu hiệu nào cho thấy có một vụ nổ xảy ra tại thời điểm máy MH370 của hãng hàng không Malaysia bị cho là mất tích. Đây là những vệ tinh mà Mỹ sử dụng để giám sát các vụ cháy rừng cũng như thiên thạch rơi (nếu có).

Vệ tinh của Mỹ từng phát hiện vụ nổ máy bay TWA Flight 800 năm 1996 ở Đại Tây Dương, ngay sau khi nó cất cánh từ sân bay JFK ở thành phố New York. Vụ tai nạn này làm 200 người thiệt mạng.

Việc thiếu bằng chứng về một vụ nổ giữa không trung càng khiến số phận của chuyến bay MH370 trở nên bí ẩn. Hiện công tác tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 đã được triển khai trong phạm vi 90.000 km².

Trước đó, ông Mike McKay, một công nhân giàn khoan đã viết email gửi các lãnh đạo của mình để trình bày việc mình thấy một máy bay bốc cháy trên cao, sau đó lao xuống biển.

Bức thư này đã được công khai và tờ New Zealand Herald có trích dẫn lại: “Tôi tin đã chứng kiến máy bay đó rơi. Thời gian rất trùng khớp”. Mike McKay là công nhân của giàn khoan Songa Mercur, ngoài khơi biển Vũng Tàu, Việt Nam. Giàn khoan Songa Mercur là của Tập đoàn Zarubazhneft (Nga).
 
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc ngày 12-3 xác nhận vệ tinh của nước này đã phát hiện 3 vật thể lạ, có kích thước lớn nổi trên mặt biển ở khu vực biển Đông giữa Việt Nam và Malaysia. Hiện chính quyền Trung Quốc đang cho phân tích hình ảnh thu được. Theo ước đoán ban đầu, những vật thể lạ có chiều dài từ 13-24m.

* Khoảng 10 giờ sáng nay, 13-3, sở chi huy tiền phương Phú Quốc cho biết, hôm nay, phía Việt Nam vẫn duy trì lực lượng, hoạt động tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Trong đó có sự tham gia của máy bay tuần thám mắt thần CASA-212, thủy phi cơ DHC6 các tàu hải quân, cảnh sát biển, cứu nạn hàng hải, kiểm ngư.

Theo đó, các máy bay (đang sẵn sàng chờ lệnh) sẽ mở rộng vùng tìm kiếm ở khu vực Nam của nhà giàn DK1 đến Bắc của vùng biển chồng lấn Việt Nam – Malaysia. 8 tàu sẽ hoạt động tại khu vực được phân công, cùng phối hợp với lực lượng nước ngoài tìm kiếm và mở rộng về khu vực nhà giàn DK1…

Trước đó, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân cho biết, lúc 8 giờ 50 tại sân bay Cà Mau chiếc Mi 171 của Trung đoàn không quân 917, ký hiệu 04 do thượng tá Ngô Huy Sơn làm cơ trưởng đã cất cánh làm nhiệm vụ tìm kiếm chiếc máy bay của Malaysia mất tích trên đất liền, khu vực rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ của tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.

Việc mở rộng tìm kiếm này xuất phát từ giả thiết chiếc Boieng 777-200, ký hiệu MH370 đã mất liên lạc từ ngoài biển, khu vực tiếp giáp của Fir HCM của Việt Nam và Malaysia, sau đó rơi trong đất liền thuộc các cánh rừng của U Minh Thượng và U Minh Hạ.

Tuy nhiên rất ít khả năng có kết quả về chuyến bay này.



NHƯ QUỲNH - BÌNH ĐẠI - HOÀI NAM/Báo SGGPO


.