Thủ tướng rời Bangkok, quân đội cảnh báo nguy cơ đất nước sụp đổ

10:02, 24/02/2014
.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã rời thủ đô và làm việc từ nơi cách Bangkok 150km, trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối chính phủ của bà vẫn tiếp tục. Trong khi đó lãnh đạo quân đội cảnh báo khả năng đất nước có thể “sụp đổ”.

Thông tin Thủ tướng Yingluck đã rời Bangkok được văn phòng của bà công bố vào ngày hôm nay 24/2, song không nói rõ địa điểm bà đến.
 

Bà Yingluck đã dành ngày hôm nay thị sát sản xuất ở một tỉnh cách đông Bangkok 150km, trong động thái mà phe đối lập cho rằng bà đang chạy trốn. Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ cho biết bà sẽ trở về Bangkok vào tối nay.

Thủ tướng Thái Lan đã không xuất hiện trước công chúng tại Bangkok gần một tuần nay. Theo dự kiến, bà sẽ phải tham dự một cuộc điều trần về tham nhũng tại Bangkok và thứ năm tới.

Thông tin về việc bà Yingluck phải làm việc từ cách xa thủ đô diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình ở Bangkok tiếp tục leo thang, với các vụ bắn súng, đánh bom, mà gần đây là vụ việc vào ngày chủ nhật, khiến 3 trẻ em thiệt mạng. Các cuộc biểu tình hiện nay nhằm phế truất bà Yingluck cũng như ảnh hưởng của anh trai bà, cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra đối với chính trường Thái Lan. Nhiều người coi ông Thaksin Shinawatra mới chính là người nắm quyền thực sự trong chính phủ hiện nay ở Thái Lan.

Lãnh đạo quân đội Thái Lan cảnh báo nguy cơ “sụp đổ” đất nước

Trong khi đó, lãnh đạo quân đội Thái Lan hôm nay cảnh báo đất nước này có nguy cơ “sụp đổ” nếu bạo lực leo thang trong những ngày vừa qua không giảm. 21 người đã thiệt mạng và hơn 700 người bị thương trong các vụ bạo lực liên quan đến biểu tình phản đối chính phủ suốt gần 4 tháng qua.

“Ngày qua ngày, sẽ còn có thêm bạo lực, cho tới khi không thể kiểm soát được”, lãnh đạo quân đội Prayut Chan-O-Cha cảnh báo trong bài phát biểu trực tiếp hiếm có trên truyền hình. “Nếu mất mát vẫn diễn ra, đất nước chắc chắn sẽ sụp đổ và không có ai chiến thắng hay thất bại”, ông cho hay.

Ông Prayut kêu gọi hòa giải và đàm phán. Ông cho hay quân đội “sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của mình” nhưng “không muốn dùng vũ lực và vũ khí để chiến đấu một cách không cần thiết với người Thái Lan”.

Song ông không biết rõ thêm.

Còn những người ủng hộ ông Thaksin cáo buộc người biểu tình đang cố gắng hối thúc quân đội nắm giữ quyền lực một lần nữa tại đất nước đã trải qua 18 cuộc đảo chính cả thành công lẫn bất thành kể từ năm 1932.

Chính vì vậy mà sau bình luận của lãnh đạo Prayut, quân đội sẽ bị theo dõi sát trước khả năng họ có thể cam thiệp.

Không những lãnh đạo quân đội, mà người đứng đầu cơ quan phản ứng an ninh của chính phủ cũng dự đoán biểu tình có thể biến thành bạo động.”Từ giờ bạo lực sẽ diễn ra…Tôi thừa nhận là tình hình khó kiểm soát”, Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubamrung cho hay. Chính phủ cho hay họ bị “bó tay” trước phán quyết của tòa vào tuần trước, theo đó cấm họ sử dụng vũ lực để giải tán những người biểu tình hòa bình.

Giới chức trách cho hay vũ khí bán tự động được bắn vào họ tuần trước cho thấy người biểu tình đã được hỗ trợ đầy đủ về vũ khí. Trong khi đó, hình ảnh trên truyền hình có vẻ như cho thấy người biểu tình dùng súng lục trong các cuộc đụng độ.

Thông tin về cái chết của 3 em nhỏ hồi cuối tuần ngay lập tức đã bị Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon lên án. Thủ tướng Yingluck cũng goi đây là “hành động khủng bố”.



Trung Anh/Dân trí


.