Quân đội Thái Lan có thể tham gia đảo chính?

03:01, 07/01/2014
.

Quân đội Thái Lan đang phải chịu áp lực rất lớn trong bối cảnh xung đột chính trị tại nước này đang leo thang mạnh mẽ.

Tờ Bangkok Post cho biết, các nhà quan sát đang “nín thở” theo dõi xem liệu quân đội Thái Lan sẽ làm gì trước khi Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) do phe đối lập đặt ra dự tính sẽ vây chặt thủ đô Thái Lan vào ngày 13/1.

Rất nhiều nhà quan sát cũng cho rằng một cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan rất có khả năng sẽ xảy ra nhất là trong bối cảnh quân đội nước này hầu như hoàn toàn “im hơi lặng tiếng” trong những diến biến quan trọng gần đây tại quốc gia Đông Nam Á này.
 

Quân đội Thái Lan luyện tập cho lễ diễu binh ngày 18/1 (Ảnh Bangkok Post)
Quân đội Thái Lan luyện tập cho lễ diễu binh ngày 18/1 (Ảnh Bangkok Post)


Phó phát ngôn của Chính phủ lâm thời Thái Lan Sunisa Letphakkawat ngày 7/1 đã lần đầu tiên nêu lên những nghi ngại rằng PDRC đang toan tính lôi kéo quân đội tham gia đảo chính.

Theo bà Susina, PDRC đang cố gắng thuyết phục quân đội Thái Lan rằng họ sẽ trở thành “những người hùng” giúp giải quyết cuộc xung đột hiện nay nếu họ chịu tham gia đảo chính.

Bà Susina cũng cho biết thêm, PDRC cũng đã lập kế hoạch để “tạo cớ” cho quân đội có thể can thiệp ví dụ như thông qua việc người biểu tình có thể bị trấn áp bằng bạo lực.

Phó phát ngôn Susia cũng nêu rõ rằng, ngày 14/1 là ngày được PDRC chọn để thực hiện các hành động quân sự.

Tuy nhiên, lãnh đạo người biểu tình, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban ngày 6/1 đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này của bà Susina và nói rằng PDRC đã rất thẳng thắn về mục tiêu trong chiến dịch biểu tình của mình là nhằm buộc Chính phủ lâm thời phải ngừng hoạt động.

“Nếu một cuộc đảo chính xảy ra thì đó chính là kết quả từ những sai lầm của Chính phủ Thái Lan”, ông Suthep khẳng định.

Những lời đồn đoán về việc quân đội Thái Lan sẽ can thiệp vào cuộc xung đột tại nước này ngày càng nhiều hơn khi quân đội thông báo sẽ điều quân đội, trực thăng, xe tăng và pháo từ các tỉnh về thủ đô Bangkok trong tuần này.

Lời tuyên bố của quân đội nước này rằng việc điều quân này chỉ đơn thuần để chuẩn bị cho một cuộc diễu hành kỷ niệm Ngày Quân đội Thái Lan 18/1 tại thủ đô Bangkok không thể làm an lòng Chính phủ và Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD- hay còn gọi là những người Áo Đỏ).

Người phát ngôn đảng Pheu Thai Prompong Nopparit cho biết có hai tướng lĩnh Thái Lan đang ủng hộ PDRC.

Hơn thế nữa, ông Suthep được cho là có quan hệ gần gũi với cựu Thứ trưởng Quốc phòng Prawwit Wongsuwan và cựu Tư lệnh Anupong Paochinda, những người có quan hệ mật thiết với Tư lệnh Prayuth Chan-ocha và Đảng Dân chủ đối lập.

Tướng Prayuth càng làm cho những lời đồn đoán trở nên có cơ sở hơn khi ông không phủ nhận khả năng một cuộc đảo chính có thể thực sự diễn ra.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Bangkok Post, ông Prayuth nói “Quân đội không đóng cửa cũng không mở cửa cho một cuộc đảo chính. Mọi chuyện đều có thể xảy ra phụ thuộc vào tình huống cụ thể”.

Tuy nhiên, cho đến nay tướng Prayuth vẫn đang rất thận trọng trong từng toan tính của mình bởi Chính quyền lâm thời Thái Lan vẫn đang có những vị thế nhất định bất chấp rất nhiều cuộc tuần hành trên đường phố của người biểu tình diễn ra trong vài tuần qua.

Lực lượng quân đội đã đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa PDRC và Thủ tướng Thái Lan Yingluck và cũng không tham gia bất kỳ chiến dịch an ninh nào có thể dẫn đến các hành động bạo lực với người biểu tình. Thay vì thế, họ chỉ thực hiện việc bảo vệ các tòa nhà chính phủ.

Tướng Prayuth cũng được cho là muốn tránh bất kỳ một cuộc đụng độ bạo lực nào giữa lực lượng an ninh và người biểu tình.

Cuộc chính biến năm 2010 tại Thái Lan cho thấy rõ rằng bạo lực không thể giúp giải quyết xung đột tại nước này và quân đội sẽ phải chịu trách nhiệm chính nếu xảy ra đổ máu.

“Quân đội không muốn sử dụng quyền lực của mình để ép buộc ai đó làm một việc gì. Chúng tôi không thể bắt Thủ tướng phải từ chức”, ông Prayuth tuyên bố.

Trong khi đó, Trung tâm Quản trị Trật tự và Hòa bình (CAPO) đã yêu cầu Quân đội tăng cường điều tăng số lượng binh sỹ tại thủ đô Bangkok từ 20 đại đội ban đầu lên 40 đại đội để hỗ trợ cảnh sát đối phó với người biểu tình vào ngày 13/1.

CAPO tin rằng tình trạng hỗn loạn sẽ gia tăng chỉ vài giờ sau khi người biểu tình bắt đầu bao vây thủ đô Bangkok và có thể dẫn đến các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và những người có thể chịu ảnh hưởng nếu thủ đô Bangkok bị bao vây.

Kết quả của cuộc bao vây thủ đô Bangkok sẽ quyết định việc quân đội Thái Lan có điều thêm binh sỹ đến đây để tiến hành can thiệp quân sự và thậm chí là đảo chính nếu tình hình diễn biến xấu đi./.
 


Theo Trần Khánh/VOV online


.