Nước Mỹ choáng váng sau “đóng cửa”

10:10, 03/10/2013
.

Ngày 1-10-2013 đã đi vào lịch sử nước Mỹ khi "cuộc chiến ngân sách" của xứ Cờ hoa đã đi hết giới hạn có thể khiến Chính phủ liên bang buộc phải “đóng cửa” do bị cắt nguồn kinh phí.

Một ngày sau khi Chính phủ Mỹ tuyên bố "đóng cửa", hàng trăm nghìn công chức lập tức rơi vào thất nghiệp, các điểm du lịch ngừng hoạt động… Sự kiện nhiều công sở của Chính phủ liên bang Mỹ đóng cửa lần đầu tiên trong 17 năm qua đã ngay lập tức tác động không chỉ tới cuộc sống và sinh hoạt của người dân Mỹ mà còn tác động không nhỏ tới toàn thế giới.
 

 Các du khách trước một thông báo quan trọng về tượng Nữ thần Tự do bị “đóng cửa”.
Các du khách trước một thông báo quan trọng về tượng Nữ thần Tự do bị “đóng cửa”.

Cú "đóng cửa" không mong đợi khiến từ 800.000 đến một triệu người trong tổng số 2,8 triệu người Mỹ sẽ phải nghỉ việc không lương trong khi họ vẫn phải thanh toán các hóa đơn mà người Mỹ gọi là "giặc hóa đơn". Các khu công viên quốc gia, thư viện và các viện bảo tàng tại thủ đô Washington và trên khắp nước Mỹ ngay từ sáng 1-10 đã đặt biển "đóng cửa" cho tới khi có thông báo tiếp theo. Gần như toàn bộ nhân viên Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) "được" nghỉ việc... Một bộ phận của Lầu Năm Góc cũng đã ngừng hoạt động, tác động tới 400.000 nhân viên dân sự, mặc dù đến phút chót, đêm 30-9, Quốc hội đã thông qua ngân sách tiếp tục cấp lương cho 1,4 triệu binh lính và Tổng thống B.Obama đã ký thực hiện.
 
Không những vậy, cạn tiền ngân sách đã buộc Tổng thống B.Obama phải hoãn chuyến thăm Malaysia và Philippines trong chuyến công du Châu Á tuần tới. Trong nhiều giờ qua, các cuộc biểu tình của người dân hối thúc Quốc hội Mỹ đàm phán để nhanh chóng nối lại các hoạt động của Chính phủ đã diễn ra ở nhiều thành phố. Ước tính, thiệt hại mà nền kinh tế Mỹ vốn đang chật vật hồi phục phải gánh chịu là khoảng 1 tỷ USD/tuần. Tác động tổng thể với nền kinh tế số 1 thế giới nhiều khả năng gấp ít nhất 10 lần con số tính toán đơn giản đó.
 
Chi nhánh Analytics của hãng đánh giá tín nhiệm tài chính toàn cầu Moody's ước đoán 3-4 tuần Chính phủ ngưng hoạt động sẽ làm nước Mỹ mất tiêu 55 tỷ USD của nền kinh tế. Ngoài đe dọa kéo lùi đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ, sự kiện Chính phủ Mỹ phải "đóng cửa" vì hết tiền đã khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán ngay trong ngày 1-10 đã đua nhau bán bớt tài sản khiến cổ phiếu thế giới đồng loạt mất giá. Giá vàng trên thị trường Mỹ ngày 2-10 (giờ Việt Nam) đã sụt giảm rất mạnh trong vòng 2 tháng qua ngay sau khi Chính phủ Mỹ "đóng cửa". Điều này trái ngược hẳn với kỳ vọng vàng sẽ thành "vịnh tránh bão" cho các nhà đầu tư khi Chính phủ Mỹ "đóng cửa" và nền kinh tế bị thiệt hại.

Việc một bộ phận Chính phủ liên bang Mỹ ngưng hoạt động đang mở rộng tầm tác động ra thế giới. Phát biểu khi đang ở thăm Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cảnh báo sự kiện này có thể làm tổn thương uy tín, khiến các đồng minh đặt câu hỏi về các cam kết của Mỹ. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo hoạt động về lãnh sự của các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài sẽ chỉ tiếp tục chừng nào còn ngân sách và các nhân viên bản địa có thể phải nghỉ việc không lương. Trong khi đó, du khách nước ngoài thăm Mỹ không thể hài lòng vì nhiều khu du lịch cấp liên bang sẽ đóng cửa, nhất là những địa chỉ ở thủ đô Washington...

Các công sở Mỹ phải đóng cửa trong bao lâu đang phụ thuộc vào sự nhượng bộ giữa các nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, cho tới hôm nay (3-10) vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào về sự xuống thang của hai bên. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Phát biểu ngày 1-10 tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, Tổng thống B.Obama nêu rõ các nghị sĩ Cộng hòa đang mở một "chiến dịch ý thức hệ" nhằm phủ nhận chương trình chăm sóc sức khỏe giá rẻ cho hàng triệu người dân Mỹ và rằng ông sẽ "không hy sinh sức khỏe của người dân Mỹ" để đổi lấy một thỏa hiệp.

Những thiệt hại nước Mỹ đang gánh chịu vì "đóng cửa" Chính phủ mới chỉ là bề nổi của tảng băng. Sâu xa hơn còn là niềm tin của dân Mỹ với các nhà lãnh đạo từ các cơ quan lập pháp cho đến các nhà hành pháp. Chưa dừng ở đó, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn khi nền kinh tế vừa có dấu hiệu phục hồi có thể bị chững lại hoặc đổ bể. Các mối đe dọa về an ninh cũng đang khiến các nhà chức trách Mỹ đau đầu, bởi đơn giản, một nước Mỹ không Chính phủ sẽ dễ bị lâm vào tổn thương hơn bao giờ hết và các kẻ thù của nước Mỹ hiểu rõ điều này; đồng thời, uy tín Mỹ trước các đồng minh vì thế không thể không bị ảnh hưởng.
 

Theo Thùy Dương/Hà Nội mới

.